Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2014. Tiếp theo là EU đạt 2,4 tỷ USD, tăng 10,5%; ASEAN đạt 1,5 tỷ USD, tăng 3,7%; Trung Quốc đạt 1,4 tỷ USD, giảm 2,5%...
Theo quy luật thị trường, những tháng đầu năm thường là thời điểm KNXK chững lại do trùng vào các ngày lễ, tết. Bên cạnh đó, các đơn hàng lớn thường chỉ được thực hiện từ quý II trở đi. Tuy nhiên năm nay, các ngành hàng đã “mở hàng” khá thành công ngay trong tháng đầu tiên. Một số mặt hàng có KNXK tăng cao so với cùng kỳ là điện tử, máy tính và linh kiện tăng 62,2%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 27,7%; hạt điều tăng 26,9%; dây điện và cáp điện tăng 26,4%...
Bên cạnh mức tăng của KNXK, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1 ước đạt 13,4 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,8 tỷ USD, tăng 41,4%; khu vực kinh tế trong nước đạt 5,6 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ. Với con số này, nhập siêu tháng 1 ước tính 500 triệu USD, bằng 3,9% KNXK, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu gần 1,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 690 triệu USD.
Trước đó, chia sẻ về tình hình xuất nhập khẩu trong năm 2015, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2015, Bộ Công Thương đặt chỉ tiêu nhập siêu khoảng 5% so với KNXK, tương đương từ 6 - 8 tỷ USD. Bởi năm 2015, nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng tốt hơn và triển vọng thu hút đầu tư từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã được ký kết sẽ tăng lên. Chính vì vậy, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được dự báo sẽ gia tăng, dẫn đến việc nhập khẩu nhiều máy móc thiết bị phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, năm 2015, một số nhà máy nhiệt điện chạy than sẽ đi vào hoạt động, nhu cầu than tăng lên, dẫn đến phải nhập khẩu mặt hàng này. Thêm nữa, với mục tiêu đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, Việt Nam có thể chuyển hướng nhập khẩu sang các khu vực thị trường mới với chất lượng tốt, giá cao hơn.
Theo Báo Công Thương