Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm tăng với mức tăng không đáng kể, trong đó tăng cao nhất là nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,32% và có hai nhóm giảm giá là bưu chính viễn thông (-0,1%), giao thông (-0,38%).
Lạm phát cơ bản tăng 0,05%
Với cái mức tăng trên, CPI cũng tăng 0,58% so với tháng 12 năm trước và CPI bình quân 11 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng 0,64%.
Về lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực-thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 11 cũng tăng nhẹ 0,05% so với tháng 10 và tăng 1,72% so với cùng kỳ.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 11 có mức tăng khá tương đồng với lạm phát chung do tỷ lệ đóng góp CPI chung của các nhóm hàng loại trừ khi tính lạm phát cơ bản với các mặt hàng còn lại là tương đương.
Như vậy, lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng so cùng kỳ năm trước tăng 2,08% cao hơn mức 0,64% của lạm phát chung do mặt bằng giá các mặt hàng tính lạm phát chung thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Lái thương đẩy giá lương thực
Theo bà Ngọc, nguyên nhân tác động đến CPI tháng này phải kể đến nhóm lương thực với mức tăng 0,31% do Việt Nam đã thắng thầu cung cấp 450.000 tấn gạo sang Philippines và 1 triệu tấn gạo cung cấp cho Indonexia. Theo đó, các thương lái đã tiến hành thu gom khiến thị trường lúa, gạo trở nên sôi động, khiến giá gạo tại các tỉnh vùng Duyên hải miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhanh.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng thực phẩm tươi sống trong tháng cũng rục rịch tăng giá do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vào mùa cưới tăng cao, như thịt bò, hải sản tươi sống với mức tăng từ 0,17% đến 1,2%.
Ngoài ra với yếu tố mùa vụ, đây là tháng giao mùa ở miền Bắc nên nhu cầu về một số mặt hàng quần áo, giầy dép phục vụ Thu Đông tăng làm cho chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,14%.
Một yếu tố khác cũng được bà Ngọc chỉ ra, đó là việc giá gas tăng 3,7% so với tháng 10 (từ 1/11 với mức tăng 17.000đ/bình 12 kg do giá gas thế giới tăng) cũng tác động lên mức tăng CPI của tháng này.
Vàng, USD tiếp tục giảm
Theo Báo cáo, tháng này giá vàng trong nước cũng biến động theo giá vàng thế giới. Bà Ngọc phân tích, giá vàng thế giới đang chịu sức ép giảm giá trước khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất vào tháng 12 khi nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục có những dấu hiệu khả quan đã khiến các nhà đầu tư rút tiền khỏi kim loại quý này.
Song bà Ngọc cũng cho hay, giá vàng trong nước giảm chậm hơn giá vàng thế giới, khoảng cách giá giữa hai thị trường lên tới trên 4 triệu đồng/lượng. Cụ thể, giá vàng bình quan trong nước (ngày 15/11) dao động quanh mức 3,32 triệu đồng/chỉ vàng SJC.
“Về thị trường ngoại tệ, mặc dù thời gian gần đây tỷ giá USD trên thị trường quốc tế biến động tăng sát trần, nhưng nhu cầu về ngoại tệ trên thị trường không có biến động lớn và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam siết chặt hoạt động giao dịch ngoại tệ đồng thời giảm lãi suất USD đã tác động đến tâm lý tích trữ đồng tiền này của người dân giảm. Bình quân cả tháng Chỉ số giá USD giảm nhẹ 0,31% so với tháng trước,“ bà Ngọc nói.
(Theo TTXVN)