Xử lý hơn 55 nghìn vụ vi phạm
Tại hội nghị, ông Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, 6 tháng đầu năm, tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp. Hàng hóa vi phạm rất đa dạng, tập trung vào các mặt hàng: Thuốc lá, rượu, hàng may mặc, hàng gia dụng, mỹ phẩm, đồ điện, điện tử…
Đáng chú ý, thời gian gần đây sau khi Chỉ thị 30 của Thủ tướng được ban hành về tăng cường công tác đấu tranh chống thuốc lá nhập lậu, hoạt động của các đối tượng buôn lậu thuốc lá ngoại ngày càng tinh vi và phức tạp, sử dụng nhiều thủ đoạn vận chuyển như: Thay đổi cung đường, vận chuyển với số lượng ít (mỗi lượt vận chuyển từ 150 đến 300 bao); cất giấu trong các hộp quà cưới; xe taxi, xe du lịch... Bên cạnh đó, các đối tượng vi phạm ngày càng manh động, chống đối liều lĩnh, khi bị xử lý hành chính thì có thái độ bất hợp tác, gây rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng.
Trước tình hình này, lực lượng QLTT đã bám sát địa bàn, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và đã tạo ra những chuyển biến tích cực trên thị trường. Theo báo cáo nhanh, trong 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng QLTT cả nước kiểm tra 91.458 vụ, phát hiện, xử lý 55.234 vụ vi phạm với tổng số thu nộp ngân sách 233,52 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu chưa bán 63,02 tỷ đồng; trị giá hàng tiêu huỷ 52,24 tỷ đồng.
QLTT đẩy mạnh công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Hiệu quả đấu tranh chưa như mong muốn
Ông Đỗ Thanh Lam cũng cho rằng, mặc dù đã vào cuộc quyết liệt, song kết quả trên vẫn còn hạn chế, tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp. Hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất ở trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau kể cả chính ngạch và tiểu ngạch; lượng hàng hóa này được vận chuyển về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ, hoặc trà trộn với hàng thật đánh lừa người tiêu dùng, điển hình như: mỳ chính, bột giặt, rượu, phụ tùng xe máy, phân bón, mỹ phẩm, may mặc...
QLTT các địa phương đều cho rằng hiện nay có quá nhiều bất cập khiến hiệu quả công tác QLTT chưa được như mong muốn. Đại diện Chi cục QLTT Quảng Trị phản ánh: Trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ vừa thiếu, vừa lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nhiều địa bàn kênh rạch chằng chịt, hoạt động buôn bán trên sông diễn ra phức tạp nhưng lực lượng QLTT không có xuồng máy, ca nô để kiểm tra, kiểm soát.
Bên cạnh đó, kinh phí hoạt động thiếu thốn, đặc biệt là kinh phí cho việc tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với hàng hoá là thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất độc hại. Lực lượng chức năng đều không có kho chuyên dụng để bảo quản tang vật, phương tiện chờ xử lý vi phạm gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân và tác động xấu đến môi trường.
Xử lý nghiêm cán bộ tiếp tay cho buôn lậu
Về giải pháp 6 tháng cuối năm, ông Đỗ Thanh Lam nhấn mạnh: Lực lượng QLTT bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và chỉ đạo của Bộ Công Thương tiếp tục triển khai quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. QLTT chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra kiểm soát, tập trung xử lý các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; kịp thời ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng giả tại các cửa hàng kinh doanh lớn, các điểm tập kết chứa hàng lậu, kho tàng, bến bãi... “Xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức tiếp tay, dung túng hoặc có biểu hiện tiêu cực khác trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo nội bộ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công tác” – ông Lam cho hay.
Đối với các tuyến biên giới, đặc biệt tại địa bàn các tỉnh Quảng Trị, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp và các tỉnh lân cận trên tuyến đường về TP. Hồ Chí Minh, lực lượng QLTT sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Bộ đội biên phòng, Hải quan, Công an tiến hành kiểm tra, kiểm soát khu vực biên giới.
Trong thị trường nội địa, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các địa bàn tiêu thụ thuốc lá lớn, lực lượng QLTT thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn, tăng cường hoạt động kiểm tra kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các cửa hàng, tụ điểm, đối tượng tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu; phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an nhằm triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: Kết quả mà lực lượng QLTT đạt được trong 6 tháng đầu năm 2015 rất đáng khích lệ. Đây là sự chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh cũng như sự phối kết hợp của lực lượng QLTT đối với các lực lượng Hải quan, Công an và Bộ đội biên phòng…. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, kết quả đạt được chưa được như mong muốn của Chính phủ cũng như của các cấp, các ngành và của người tiêu dùng trên cả nước
Thứ trưởng chỉ đạo, trong 6 tháng cuối năm và trong thời gian tới lực lượng QLTT phải nhìn nhận thẳng vào vấn đề hiện nay cái gì chưa làm được? Tồn tại nào cần phải khắc phục để có những giải pháp tháo gỡ. Có như vậy, hiệu quả của công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mới đạt kết quả như kỳ vọng.
Theo Báo Công Thương