Tăng trưởng GDP năm 2016 thấp hơn mục tiêu
Phát biểu tại họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, mức tăng 6,21% của năm 2016 thấp hơn mức tăng 6,68% của năm 2015 và thấp hơn mục tiêu đề ra là 6,7%. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới không thuận lợi. Trong nước, rủi ro về thời tiết, môi trường biển diễn biến phức tạp. Thế giới tình hình thương mại trầm lắng. Mức tăng 6,21% là thành công, khẳng định tính đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của các biện pháp, giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành, địa phương cùng thực hiện.
Trong mức tăng 6,21% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,36%, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, với các mức tăng lần lượt là năm 2011 tăng 4,23%; 2012 tăng 2,92%; 2013 tăng 2,63%; 2014 tăng 3,44% và 2015 tăng 2,41%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,57%, thấp hơn mức tăng 9,64% của năm 2015, đóng góp 2,59 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Khu vực dịch vụ tăng 6,98%, đóng góp 2,67 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Mặc dù tăng trưởng GDP năm 2016 không đạt được mục tiêu 6,7%, tuy nhiên, theo ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia cho rằng, tăng trưởng GDP luôn theo xu hướng quý sau tăng cao hơn quý trước. Cụ thể, quý I tăng 5,48%; quý II tăng 5,75%; quý III tăng 6,56% và quý IV tăng 6,68%. Đặc biệt, tăng trưởng có sự đột phá ở quý III và quý IV cho thấy kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu tích cực, tạo đà cho tăng trưởng cao hơn vào năm 2017 và những năm tiếp theo.
Thách thức với mục tiêu năm 2017
Nói về mục tiêu tăng trưởng 6,7% được Quốc hội đề ra trong năm 2017, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng đây là một mục tiêu đầy thách thức và rất khó khăn. Nhất là trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp. Trong nước, biến đổi khí hậu vẫn đe dọa ảnh hưởng đến phát triển của ngành nông, lâm, thủy sản. Thế giới sau sự kiện Brexit vẫn còn ảnh hưởng đến kinh tế, thương mại toàn cầu. Các tổ chức kinh tế thế giới đều dự báo tăng trưởng của Việt Nam cũng như toàn cầu trong năm 2017 có nguy cơ thấp hơn trong năm 2016.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017, ông Lâm cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành của địa phương cần tập trung vào một số giải pháp, bao gồm: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, xây dựng Chính phủ kiến tạo, giúp doanh nghiệp, người dân đầu tư mở rộng sản xuất, thành lập doanh nghiệp mới… tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có những giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các vướng mắc về cơ chế, tạo thuận lợi cho việc mở rộng tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống và quyền lợi người dân.
Để đạt được tăng trưởng 6,7% vào năm 2017, Tổng cục Thống kê cũng cho rằng Chính phủ cần tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích ghi với biến đổi khí hậu. Đối với các tỉnh bị xâm nhập mặn ở đồng bằng song Cửu Long và các tỉnh thường xuyên bị hạn hán ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, cần quy hoạch lại cơ cấu sản xuất các ngành, nhất là trong sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hướng hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn.
Chính phủ cũng cần đẩy mạnh xúc tiến môi trường đầu tư, phát triển thị trường xuất khẩu, bao gồm cả thị trường truyền thống và thị trường có sức mua cao. Cùng với đó, phát triển mạnh thị trường trong nước, hệ thống bán lẻ gắn với tiêu thụ thị trường nội địa. Nâng cao công tác quản lý thị trường, ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, nhằm đảm bảo sản xuất trong nước phát triển.