Bạn đang ở đây

Tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam-Tanzania

14/03/2016 15:05:11

Tại buổi hội đàm chính thức giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Tanzania John Magufuli, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh trao đổi thương mại song phương, nhất là đối với những mặt hàng có thế mạnh của nhau như hạt điều của Tanzania và gạo của Việt Nam, và nhất trí mở rộng cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu sang các sản phẩm như dệt may, máy móc nông cụ, v.v... Việt Nam sẵn sàng là cầu nối cho hàng hóa Tanzania vào thị trường ASEAN và các nước thành viên FTA Việt Nam tham gia. Đồng thời, Việt Nam mong muốn Tanzania tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Tanzania và các nước Đông Phi cũng như Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi. Hai bên phấn đấu tới năm 2020 trao đổi thương mại hai chiều đạt kim ngạch một tỷ USD. Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ vui mừng về những thành công bước đầu của mạng viễn thông Halotel của Công ty liên doanh Viettel tại Tanzania. Hai bên cũng nhất trí xác định nông nghiệp và viễn thông là hai lĩnh vực trọng tâm hợp tác giữa hai nước; sớm tổ chức kỳ họp lần thứ hai Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Tanzania trong năm 2016; thúc đẩy đàm phán để sớm ký kết Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần và Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư.

Cùng với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Majaliwa và Bộ trưởng Công Thương và Đầu tư Charles Mwijag của Tanzania, đại diện Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã tham gia Đoàn Chủ tịch điều hành Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Tanzania với sự tham dự đông đảo của trên 300 đại biểu và các doanh nghiệp Tanzania. Tại Diễn đàn nay, sau các bài phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về chính sách phát triển của Việt Nam và những định hướng lớn về hoạt động hợp tác giữa hai nước; của Thủ tướng Majaliwa và Bộ trưởng Công Thương và Đầu tư Charles Mwijag cùng đại diện một số cơ quan Tanzania về tiềm năng đất nước, môi trường kinh doanh và đầu tư, những cơ hội hợp tác và chính sách ưu đãi thu hút đầu tư tại thị trường Tanzania; Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã có bài phát biểu qua trọng giới thiệu tóm tắt về tình hình phát triển kinh tế vĩ mô, hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (kể cả đầu tư sang Châu Phi nói chung và sang Tanzania nói riêng) và hoạt động sản xuất của một số ngành công nghiệp chủ đạo của Việt Nam trong thời gian gần đây.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng nhấn mạnh đến tiến trình chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam đã ký 11 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và khu vực với các đối tác trên thế giới (55 nền kinh tế, trong đó có 17/20 đối tác của G20 và 7/7 đối tác của G7). Đáng chú ý, trong năm 2015, Việt Nam đã ký kết các FTA với Liên minh kinh tế Á-Âu, Hàn Quốc, EU; kết thúc đàm phán TPP và chính thức ký hiệp định này vào tháng 2/2016; gia nhập và góp phần chính thức hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán các hiệp định như” tham gia RCEP trong khuôn khổ ASEAN, FTA giữa ASEAN và Hongkong, FTA với các nước Bắc Âu, FTA với Israel. Đồng thời, Việt Nam cũng tích cực triển khai hợp tác trong khuôn khổ các FTA đã ký giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc-New Zealand, Ấn Độ, v.v… Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc tham gia vào hiệp định TPP, đã mở ra những cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và mở rộng thị trường, nâng cao năng lực sản xuất trong nước, tăng cường sức cạnh tranh của hàng hoá và doanh nghiệp; góp phần hình thành thị trường chung khu vực ASEAN có quy mô rộng lớn thông qua tham gia vào AEC.

Bên cạnh việc giới thiệu hoạt động thương mại của Việt Nam trong năm 2015 (kể cả hoạt động xuất nhập khẩu và thị trường trong nước) đã đạt được những kết quả ấn tượng, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng nêu bật thực trạng về hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Tanzania trong thời gian gần đây.

Việt Nam và Tanzania có mối quan hệ truyền thống, hữu nghị tốt đẹp. Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại trong thời gian qua không ngừng được tăng cường và củng cố. Việt Nam và Tanzania đã ký các Hiệp định Thương mại năm 2001, Hiệp định khung về hợp tác kinh tế-thương mại-khoa học và công nghệ năm 2014 (trong đó có thỏa thuận thành lập Ủy ban hỗn hợp giữa hai nước), Hiệp định vận tải biển năm 2015 nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước hoạt động. Trong năm 2014, Tanzania đã công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng nhanh nhưng vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi nước. Doanh nghiệp hai bên chưa có nhiều thông tin về thị trường của nhau. Việc trao đổi đoàn các cấp, các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát, tiếp cận thị trường và tìm hiểu cơ hội hợp tác với nhau còn hạn chế. Trong cán cân thương mại giữa hai nước, Việt Nam luôn ở thế nhập siêu. Tanzania là nhà cung cấp bông và hạt điều thô lớn của Việt Nam.

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Tanzania

(Đơn vị: triệu USD)

Năm

Xuất khẩu

Nhập khẩu

Tổng kim ngạch

2011

24,12

35,93

60,05

2012

37,27

45,80

83,07

2013

25,45

80,66

106,11

2014

51,65

105,18

156,83

2015

64,4

139,82

204,22

 

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Kim ngạch xuất khẩu sang Tanzania năm 2015 tăng 25% so với năm 2014. Mặt hàng xuất khẩu chính gồm sản phẩm dệt may (11,8 triệu USD), dây điện và dây cáp điện (10.2 triệu USD), sản phẩm sắt thép (9,5 triệu USD), máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng (9,2 triệu USD), gạo (8,9 triệu USD), v.v… Ngoài ra, một số mặt hàng công nghiệp như clanhke, phân bón các loại, linh kiện, máy vi tính…cũng là những mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam do đáp ứng được nhu cầu hiện tại của thị trường Tanzania. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Tanzania năm 2015 tăng 33% so với năm 2014. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm hạt điều (108 triệu USD), chiếm tới 77,14% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ quốc gia này. Ngoài ra, các mặt hàng nhập khẩu khác của Việt Nam từ quốc gia này là bông, thức ăn gia súc và nguyên liệu, v.v…

Về hợp tác công nghiệp, Tập đoàn PVN/Tổng Công ty PVEP bước đầu đã có một số tiếp cận với đối tác phía Tanzania.

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, mặc dù còn những hạn chế nhất định trước mắt, nhưng tiềm năng và triển vọng hợp tác về kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Tanzania trong thời gian tới là rất sáng sủa. Cơ cấu nền kinh tế của hai nước có nhiều điều kiện và yếu tố có thể bổ sung cho nhau. Trao đổi thương mại hàng hóa còn nhiều tiềm năng chưa đươc khai thác và dư địa để phát triển. Cơ hội hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp hai nước, nhất là trong lĩnh vực dầu khí, là to lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp hai bên có thể mở rộng hợp tác đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp như dệt may, sản xuất sữa, sản xuất nước hoa quả và máy móc nông nghiệp tại Tanzania.

Để góp phần tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Tanzania trong thời gian tới, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã đưa ra một số gợi ý đề xuất. Theo đó, cần tích cực trao đổi thông tin về cơ hội hợp tác, kinh doanh thông qua các kênh chính thống, bao gồm các Bộ, ngành, Đại sứ quán, Phòng Thương mại và Công nghiệp, các Hiệp hội ngành hàng của Việt Nam và Tanzania để hỗ trợ doanh nghiệp hai Bên tìm kiếm đối tác; hai bên cần tích cực trao đổi các đoàn quan chức, doanh nghiệp đi khảo sát thị trường, tham gia các hoạt động hội thảo, hội chợ, triển lãm tại mỗi nước; tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp hai Bên tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành hàng thế mạnh của hai nước hoặc hợp tác đầu tư sản xuất trong các lĩnh vực như dệt may, sản xuất sữa, sản xuất nước hoa quả và máy móc nông nghiệp, v.v... Nội dung bài phát biểu của Thứ trưởng Cao Quốc Hưng được đại diện các Bộ, ngành hữu quan và các doanh nghiệp Tanzania, đại diện các cơ quan liên quan và doanh nghiệp Việt Nam trong đoàn đánh giá cao.

Trong thời gian ở Tanzania, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã cùng với Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tiếp đại diện công ty Mohamed của Tanzania để lắng nghe ý kiến liên quan đến việc tranh chấp về hợp đồng gạo với một doanh nghiệp của Việt Nam trước đây. Ngoài ra, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã tham gia cùng với Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đến thăm khu chế xuất Benjamin chuyên sản xuất các bản mạch điện tử và thẻ từ thông minh, đến thăm công ty Halotel-một liên doanh của Tập đoàn Viettel đầu tư tại Tanzania, tiếp một số tập đoàn và doanh nghiệp hàng đầu của Tanzania có quan tâm tới hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp Việt Nam.

 
Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á