Bạn đang ở đây

Tăng cường liên kết hợp tác khuyến công

29/05/2014 14:52:25

Năm 2013, tổng kinh phí khuyến công (KC) các tỉnh, thành trong khu vực thực hiện là 54,06 tỷ đồng (tăng 2,1% so năm 2012). Trong đó, KC quốc gia thực hiện 50 đề án với kinh phí 7,73 tỷ đồng; KC địa phương thực hiện 237 đề án với kinh phí 46,33 tỷ đồng. Cả khu vực đã đào tạo nghề cho 3.324 lao động, hỗ trợ xây dựng 10 mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ 11 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 1 cụm công nghiệp và hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho 1 cụm công nghiệp; hỗ trợ 45 cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm trong nước với 120 gian hàng tiêu chuẩn.

Ngoài ra công tác chuẩn bị tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu khu vực năm 2014 cũng được quan tâm. Nhiều tỉnh đã tổ chức bình chọn ở các cấp, qua đó đã có nhiều sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp xã, huyện, tỉnh.

Năm 2014, tổng kinh phí KC các tỉnh, thành trong khu vực kế hoạch dự kiến là 63,335 tỷ đồng (tăng 17,16% so năm 2013), bình quân đạt 3,17 tỷ đồng/1 tỉnh, thành phố. Trong đó, KC quốc gia dự kiến thực hiện 68 đề án với kinh phí là 13,877 tỷ đồng; KC địa phương dự kiến thực hiện 259 đề án với kinh phí là 49,49 tỷ đồng.

Những tháng đầu năm, các tỉnh, thành phố trong khu vực đã tích cực chuẩn bị triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch KC đã được duyệt, tập trung chủ yếu vào công tác đào tạo nghề, khởi sự và nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật… Các tỉnh cũng tổ chức nhiều đoàn học tập kinh nghiệm về công tác KC, tư vấn phát triển công nghiệp; kinh nghiệm thực hiện các chương trình sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các mô hình ứng dụng đổi mới công nghệ hướng đến sản xuất thân thiện với môi trường (Bình Dương, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long). Tổ chức Hội nghị công tác KC các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tại Long An nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp quản lý nhà nước về công tác KC giữa các địa phương; Hội nghị hợp tác phát triển làng nghề, tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ xúc tiến đầu ra cho các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp (Bình Thuận, Bình Dương, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu, Long An, Đồng Tháp)…

Nhìn chung, việc triển khai các hoạt động KC ngày càng phong phú, đa dạng; quy mô và chất lượng các đề án KC ngày càng được nâng cao và có tác động rõ nét đến phát triển công nghiệp ở nông thôn, giúp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp xác định hướng đầu tư đúng, có hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất, kinh doanh và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KC của các tỉnh, thành phố trong khu vực vẫn còn tồn tại, vướng mắc như: việc hỗ trợ không thực hiện được do các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn không  triển khai đề án; số lượng và kinh phí thực hiện các đề án của các địa phương không đều, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có hoạt động sản xuất công nghiệp tương đối phát triển. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, các tỉnh cần tiếp tục liên kết trong việc đẩy mạnh KC, hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp; hoạt động thông tin, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu thụ các mặt hàng chủ lực của các địa phương trong khu vực.

Theo Báo Công Thương