Bạn đang ở đây

Tăng cường đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm nông sản xuất khẩu

15/11/2017 16:18:15

Đây cũng là vấn đề được các nhà quản lý, chuyên gia nhấn mạnh tại hội thảo tại Nâng cao năng lực xuất khẩu nông sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  và Tổ chức CropLife tổ chức vào ngày 2/11/2017 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh. 

Theo ông Chu Văn Chương, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xuất khẩu hàng nông sản đã đóng góp rất lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 2,4%/năm trong 5 năm qua. Trong 10 tháng đầu năm 2017, cả nước đã thu được 15,62 tỷ USD từ xuất khẩu nông sản, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đánh giá của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) xuất khẩu trái cây, rau quả và hạt điều tăng mạnh, nhưng nhiều sản phẩm nông nghiệp đã bị trả về vì không đáp ứng được yêu cầu MRL do các nước nhập khẩu đưa ra, gây thiệt hại cho DN.

Theo ông Vasant L. Patil - đại diện CropLife Asia (tại Việt Nam, CropLife Asia tập trung vào việc tăng cường việc thực hành, sử dụng có hiệu quả, an toàn các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật và thúc đẩy ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp), hiện nay thách thức cho DN xuất khẩu nông sản nói chung và trái cây nói riêng ngày càng nhiều khi thực thi thương mại xuất khẩu. Trong đó, các tiêu chuẩn MRL thường xuyên thay đổi, luật lệ của các nước nhập khẩu cũng thay đổi theo. Đó là chưa kể, các nước nhập khẩu bắt đầu thực hiện giám sát đến tận vùng sản xuất.

Theo ông Vasant L. Patil, không riêng gì sản phẩm trái cây, nông sản nói chung nếu vi phạm các quy định về vượt mức MRL, sản phẩm xuất khẩu sẽ bị trả lại, người trồng trọt, nhà xuất khẩu có bị phạt, bị truy tố… Do đó, Chính phủ và nông dân cần đẩy mạnh hệ thống canh tác luân canh kết hợp quản lý dịch hại tổng hợp.

Ông Trần Thanh Tùng, Tổng giám đốc Trung tâm Kiểm định và kiểm tra thuốc trừ sâu Nam bộ, cho biết các nước nhập khẩu thường xuyên thay đổi các quy định về an toàn thực phẩm đối với nông sản. Vì có nhiều hệ thống MRL trên toàn thế giới nên việc tuân thủ có thể khó khăn vì một số hàng xuất khẩu có thể đạt tiêu chuẩn MRL của một nước nhập khẩu này nhưng có thể không đạt được đối với nước khác.

Ngoài ra, có rất nhiều yếu tố dẫn đến dư lượng thuốc trừ sâu trong các sản phẩm nông nghiệp, bao gồm các tính chất vật lý và đặc tính hóa học của thuốc trừ sâu (ổn định trong môi trường); sử dụng không đúng cách thuốc trừ sâu (như sử dụng quá mức và sử dụng không đúng trước khi thu hoạch) và các vấn đề trong bảo quản. Vì thế việc đáp ứng tiêu chuẩn MRL đòi hỏi sự tham gia và trách nhiệm giải trình của tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, nông dân, các nhà sản xuất thuốc trừ sâu và các công ty chế biến nông sản thực phẩm.

Ngoài ra, để giảm nguy cơ dư lượng thuốc trừ sâu trong nông sản, người sản xuất và các nhà xuất khẩu nên hiểu các yêu cầu về MRL của nước nhập khẩu, phải biết danh mục thuốc trừ sâu được sử dụng trong nước nhập khẩu, và chú ý đến thuốc trừ sâu bị cấm. Do tiêu chuẩn MRL không thống nhất giữa các quốc gia, vì thế các nước trong khu vực nên hợp tác để phát triển một chương trình dữ liệu chung, thừa nhận lẫn nhau về dữ liệu dư lượng và thông qua các MRL chung.

Nguồn: Báo Công Thương