Theo đó, Ban Chỉ đạo 127/ĐP yêu cầu các ngành thành viên chủ động nắm bắt diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa, dự báo tình hình, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán; kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh, gây bất ổn thị trường để có các giải pháp xử lý với những tình huống có thể xảy ra.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại. Tập trung kiểm tra, xử lý tình trạng vận chuyển buôn bán các mặt hàng như pháo các loại, đồ chơi trẻ em kích động bạo lực, các mặt hàng thiết yếu và tiêu thụ nhiều như rượu ngoại, thuốc lá ngoại, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, thực phẩm các loại; nông sản, hoa quả, thuỷ sản, gia súc, gia cầm và các phụ phẩm gia súc gia cầm; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; mũ bảo hiểm, quần áo may sẵn, đồ gia dụng; các mặt hàng lâm sản, khoáng sản khai thác, mua bán vận chuyển trái phép. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng tình hình để đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt nhằm đẩy giá bán lên cao, gây bất ổn thị trường; Kiểm tra việc thực hiện việc cân đong, đóng gói, chất lượng hàng hoá. Ngăn chặn các hành vi lợi dụng chủ chương “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” để trà trộn hàng lậu, hàng giả…
Tập trung kiểm tra tại các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, siêu thị nơi phát luồng hàng hoá, các cơ sở sản xuất chế biến, các trung tâm huyện, thị xã, thành phố; các tuyến đường giao thông như Quốc lộ 70, Quốc lộ 32C, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội, các tuyến đường thuỷ nội địa.
Thời gian thực hiện từ nay đến sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, đặc biệt là trước, trong và sau Tết dương lịch, Tết Nguyên đán.
Theo Bao Yên Bái