Bạn đang ở đây

Tăng cường cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công

10/09/2011 17:25:55
Góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn
 
Theo số liệu từ Cục Công nghiệp địa phương (CNĐP), kế hoạch tổng kinh phí khuyến công năm 2011 của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là 85,170 tỷ đồng, tăng 3,3% so với năm 2010, chiếm 46,63% tổng kinh phí khuyến công cả nước. Trong đó sẽ thực hiện đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề cho 47.887 lao động nông thôn. Nâng cao năng lực quản lý và khởi sự doanh nghiệp cho 4.328 lượt người; Tổ chức 12 đoàn tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước. Hỗ trợ xây dựng 62 mô hình trình diễn, 147 cơ sở ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường, 1 doanh nghiệp chuyển giao công nghệ mới, 400 cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các hội chợ triển lãm trong nước.
 
6 tháng đầu năm 2011, các tỉnh thành phố phía Bắc đã đào tạo nghề cho 24.643 lao động; nâng cao năng lực quản lý và khởi sự doanh nghiệp cho 1.058 người; tổ chức 5 hội nghị tập huấn, 6 lớp đào tạo; 3 đoàn tham quan, khảo sát; xây dựng 36 mô hình trình diễn, trong đó có 21 mô hình đã hoàn thành trên 50% khối lượng công việc; tổ chức 1 Hội chợ Hùng Vương năm 2011 tại Phú Thọ và hỗ trợ một số cở sở tham gia hội chợ trong nước; hỗ trợ 5 cơ quan truyền thông ở Trung ương tổ chức tuyên truyền về công nghiệp và hoạt động khuyến công. Ngoài ra, còn các chương trình hỗ trợ liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế và phát triển các cụm- điểm công nghiệp, v.v… Tổng kinh phí đã giải ngân được 6 tháng đầu năm 2011 là 867 triệu đồng, đạt 52,86% kế hoạch.
 
Một trong những nội dung trọng tâm của hội nghị là tìm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công. Các đại biểu đều khẳng định, hoạt động khuyến công đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế- lao động ở địa phương, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Khuyến khích và huy động được các nguồn lực của nhiều tổ chức chính trị xã hội tham gia hoạt động khuyến công.
 
Tuy nhiên, các địa phương đều cho rằng, hoạt động khuyến công khu vực miền núi còn rất khó khăn do địa bàn quá rộng, giao thông cách trở, nhân lực vừa thiếu vừa yếu, sự liên kết vùng miền còn rời rạc, công tác kiểm tra giám sát còn yếu. Để nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công, các địa phương đề nghị tăng nguồn kinh phí, nhất là kinh phí cho hỗ trợ máy móc thiết bị, đào tạo nghề và xây dựng mô hình trình diễn, di dời doanh nghiệp vào cụm công nghiệp làng nghề. Đổi mới cơ chế chính sách cho hoạt động khuyến công, đổi mới đơn giản thủ tục giải ngân kinh phí khuyến công. Xây dựng quỹ khuyến công để hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn có điều kiện vay vốn ưu đãi. Đồng thời, các đại biểu cũng kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
 
Hội nghị cũng được nghe giới thiệu Dự thảo Nghị định 134/2004/NĐ-CP sửa đổi. Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi Nghị định phù hợp hơn với thực tế. Cụ thể, đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng, rà soát bổ sung các nội dung về các lĩnh vực sản xuất sạch hơn, năng lượng mới, tiết kiệm năng lượng, đổi mới công nghệ thiết kế mẫu mã. Bổ sung sửa đổi danh mục các ngành nghề được hưởng chính sách khuyến công. Quy định rõ hơn về tổ chức hoạt động; chính sách khuyến công đặc thù cho từng vùng, miền, chính sách với cán bộ, cộng tác viên khuyến công và một số ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên, v.v…
 
Tăng cường cải cách thủ tục hành chính
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao những thành tích hoạt động khuyến công toàn Vùng thời gian qua, đồng thời giải đáp những vướng mắc, kiến nghị của các địa phương về hoạt động khuyến công và góp ý Dự thảo Nghị định 134 sửa đổi.
 
Thứ trưởng cũng yêu cầu các địa phương chủ động tìm mọi giải pháp nhằm khôi phục, duy trì, phát triển hoạt động khuyến công. Hỗ trợ đội ngũ doanh nhân doanh nghiệp ở nông thôn, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ thông tin, tìm hiểu chính sách về hoạt động khuyến công. Rà soát, cải cách hành chính, làm tốt công tác giải ngân. Sớm hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công tại địa phương. Tích cực triển khai thực hiện, đảm bảo đúng mục tiêu, nội dung, kết quả, tiến độ thực hiện đề án, kế hoạch khuyến công năm 2011.
 
Đồng thời, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đảm bảo hoàn thành đề án đúng tiến độ, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, chế độ chính sách pháp luật cũng như các quy định khác về quản lý hoạt động khuyến công. Tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách,tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được thông thoáng. Cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường đề xuất những chính sách cụ thể (hỗ trợ vốn vay, lãi suất vay, hỗ trợ dịch vụ hành chính công... nhằm duy trì, phát triển sản xuất, góp phần phát triển công nghiệp nông thôn.
 
Bộ Công Thương