Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa kí ban hành Quyết định số 874/QÐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Theo đó, ngành công nghiệp Việt Nam sẽ phát triển theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; Điện tử và Viễn thông; Năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Hướng phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2020 đạt 12,5%-13%/năm; đến năm 2035 tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 40%-41% trong cơ cấu kinh tế cả nước; giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt khoảng 45% tổng GDP, sau năm 2025 đạt trên 50%.
Theo nội dung quy hoạch, từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 sẽ hình thành một số Tập đoàn cơ khí chế tạo thuộc lĩnh vực cơ khí - luyện kim. Phấn đấu năm 2020, tỷ trọng ngành cơ khí - luyện kim chiếm 20 - 21% và năm 2030 chiếm 22 - 24% trong cơ cấu ngành công nghiệp. Đồng thời phát triển công nghiệp hóa dầu, hóa chất cơ bản, hoá chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn; phấn đấu năm 2020 tỷ trọng ngành hóa chất chiếm 13 - 14% và năm 2030 chiếm 14 - 15% trong cơ cấu ngành công nghiệp.
Theo Quy hoạch, sẽ xây dựng ngành điện tử, công nghệ thông tin trở thành ngành công nghiệp chủ lực để tạo cơ sở hỗ trợ cho các ngành khác phát triển. Cùng với đó là phát triển ngành ngành dệt may - da giầy theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa, nhằm tạo ra bước nhảy vọt về chất và lượng sản phẩm;
Trong chiến lược phát triển, Vùng Trung du miền núi phía Bắc sẽ tập trung phát triển các ngành khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông, lâm sản, công nghiệp thủy điện, một số dự án luyện kim. Vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, luyện kim, hóa chất, nhiệt điện, công nghiệp công nghệ cao.
Vùng Duyên hải miền Trung phát triển các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến hải sản, cơ khí đóng tàu, luyện kim và các ngành công nghiệp gắn với lợi thế vận tải biển. Vùng Tây Nguyên phát triển công nghiệp chế biến cây công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng.
Vùng Đông Nam bộ phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, dầu khí và các chế phẩm hóa dầu, hóa chất, công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao; nghiên cứu phát triển công nghiệp phụ trợ. ĐBSCL tập trung phát triển các ngành chế biến nông sản, thủy hải sản xuất khẩu, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, đóng và sửa chữa các loại phương tiện đánh bắt xa bờ./.
Theo VOV