Bạn đang ở đây

Tái cơ cấu bước đầu mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp

28/03/2017 08:45:24

Sau khi thực hiện tái cơ cấu, Tổng công ty đã từng bước hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động nhóm công ty mẹ - công ty con; định hướng phát triển dài hạn, xây dựng chiến lược phát triển Tổng công ty đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đề ra giải pháp thực hiện trong lĩnh vực nguyên liệu, thị trường và phát triển sản phẩm mới, xuất nhập khẩu; thực hiện quản lý, chỉ đạo triển khai KH SXKD của từng Nhóm Công ty; xây dựng hệ thống phân phối chung trong Tổ hợp; triển khai họp giao ban hàng tháng có sự tham dự của Công ty Thuốc lá Thăng Long và Công ty Thuốc lá Sài Gòn giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc của đơn vị, tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa các đơn vị trong tổ hợp: giữa các công ty sản xuất thuốc lá điếu, giữa công ty thuốc lá điếu và công ty sản xuất nguyên liệu, giữa công ty thuốc lá điếu và các công ty Thương mại, Xuất nhập khẩu, Trung tâm đào tạo Vinataba, Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá.

 

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết

Cụ thể:

 

Nhóm Công ty Thuốc lá Thăng Long, các chỉ tiêu chính đều tăng trưởng sau khi thực hiện tái cơ cấu. Sản lượng tiêu thụ tăng 5,73%, doanh thu tăng 9,63%, lợi nhuận trước thuế tăng 3,49%, nộp ngân sách tăng 16,12%, kim ngạch xuất khẩu tăng 7,64%, thu nhập bình quân tăng 6,11%. Vốn chủ sở hữu của cả Nhóm vào thời điểm chuyển đổi sang mô hình công ty mẹ con 1.244.628.415.057 đồng, đến thời điểm 31/12/2016 vốn chủ sở hữu ước đạt 1.546.515.050.000 đồng. Đa phần các công ty đều có cơ cấu nợ - vốn tương đối phù hợp, an toàn trong kinh doanh, đảm bảo tính thanh khoản, tạo được niềm tin cho các chủ nợ. Các công ty đều có hệ số thanh toán ngắn hạn > 1 lần.

 

Đối với Nhóm Công ty Thuốc lá Sài Gòn, sau khi thực hiện tái cơ cấu các chỉ tiêu chính đều tăng trưởng, trong đó sản lượng tiêu thụ tăng 4,21%, doanh thu tăng 9,46%, lợi nhuận trước thuế tăng 61,47%, nộp ngân sách tăng 22,6%, kim ngạch xuất khẩu tăng 2,59%, thu nhập bình quân tăng 41,63%. Vốn chủ sở hữu của cả Nhóm vào thời điểm chuyển đổi sang mô hình công ty mẹ con 2.428.319.984.232 đồng, đến thời điểm 31/12/2016 vốn chủ sở hữu ước đạt 3.185.146.609.744 đồng, chứng tỏ Nhóm công ty hoạt động có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn được giao. Hệ số nợ giảm 13% trên VCSH và giảm 12% trên Tổng TS. Các chỉ số năm 2016 đều có sự tăng trưởng so với năm 2015 cho thấy nhóm công ty đang hoạt động hiệu quả, làm ăn có lãi tăng lên. Hệ số thanh toán và thanh toán nhanh tăng 21%-64%. Hệ số bảo toàn vốn tăng 1%

Sau tái cơ cấu, mối quan hệ giữa công ty Thuốc lá Thăng Long và Thuốc lá Sài Gòn đã được cải thiện rõ rệt, hai đơn vị đã tham gia tích cực xây dựng hệ thống phân phối Vinataba, tham gia hội nghị khách hàng của nhau, bước đầu phối hợp với đối tác trong đàm phán xuất khẩu sản phẩm.

 

Trong lĩnh vực xây dựng hệ thống quản trị, hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý, Tổng công ty đã chuyển giao theo quy định quyền chủ sở hữu, quyền và trách nhiệm điều hành quản lý các nhóm công ty thuốc lá ở 02 miền Nam, Bắc cho 02 công ty mẹ là Thăng Long và Sài Gòn. Tổng công ty đã thống nhất các đơn vị có cùng đặc điểm, tính chất trong SXKD, phù hợp về điều kiện địa lý, phân cấp và phân quyền mạnh mẽ cho 02 công ty mẹ là Công ty Thuốc lá Thăng Long và Sài Gòn. Đồng thời ban hành Điều lệ các công ty mẹ, thống nhất mô hình tổ chức quản lý, hệ thống quản trị trong Tổ hợp Tổng công ty và các nhóm công ty theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tập trung.

 

Ông Nghiêm Xuân Toàn, Trưởng phòng nhân sự Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam báo cáo tại Hội nghị

 

Trong công tác định hướng, kế hoạch và tổ chức sản xuất kinh doanh, hỗ trợ gia công, Tổng công ty đã có các chỉ đạo định hướng phát triển dài hạn và các giải pháp thực hiện trong lĩnh vực nguyên liệu, thị trường và phát triển sản phẩm mới, xuất nhập khẩu. Công ty mẹ Thuốc lá Sài Gòn, Thăng Long đã phát huy vai trò Công ty mẹ sau khi tái cơ cấu.

 

Trong hoạt động thị trường, tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu thuốc lá điếu, Tổng công ty đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm xúc tiến hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực thị trường. Cụ thể: Xây dựng hệ thống phân phối Vinataba trong toàn tổ hợp Tổng công ty. Hệ thống tạo được hình ảnh, khẳng định uy tín, thương hiệu Vinataba, thu hút sự quan tâm của các nhà phân phối khác trong hệ thống. Tăng cường sự hợp tác, cùng đồng lòng, cùng chia sẻ đầu tư trong các đơn vị thành viên trong Tổng công ty đặc biệt là 2 Công ty mẹ Thăng Long và Sài Gòn...

 

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu các công ty thuốc lá điếu, ông Vũ Văn Cường - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam nhấn mạnh, trong thời gian qua các công ty thuốc lá điếu (bao gồm cả công ty mẹ và các công ty con) đã có nhiều nỗ lực, thực hiện rất tốt chủ trương tái cơ cấu của Tổng Công ty, triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung, giải pháp của Đề án.

 

Ông Vũ Văn Cường - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

 

Tổng công ty và các công ty thuốc lá điếu sau tái cơ cấu đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: đã thống nhất các đơn vị có cùng đặc điểm, tính chất trong sản xuất kinh doanh, phù hợp về điều kiện địa lý, phân cấp và phân quyền mạnh mẽ cho 02 công ty mẹ . Tổng công ty đã cơ cấu lại mô hình tổ chức quản lý, thống nhất hệ thống quản trị trong Tổ hợp Tổng công ty. Quyết liệt, có các chỉ đạo định hướng phát triển dài hạn và đề ra các giải pháp thực hiện trong lĩnh vực nguyên liệu, thị trường và phát triển sản phẩm mới, xuất nhập khẩu; thực hiện quản lý, chỉ đạo triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh của từng Nhóm Công ty; đã xây dựng hệ thống phân phối chung thúc đẩy sự hợp tác, cùng đồng lòng chia sẻ đầu tư của các công ty Thuốc lá điếu, từng bước củng cố, nâng cao thị phần trong nước của Tổng Công ty.

 

Công ty mẹ Thuốc lá Sài Gòn, Thăng Long đã phát huy vai trò Công ty mẹ, triển khai tái cơ cấu đồng bộ trên nhiều mặt như thị trường tiêu thụ, cơ cấu sản phẩm, phối chế & nâng cấp sản phẩm, đào tạo, tổ chức sắp xếp đội ngũ thị trường,… đã hỗ trợ tích cực các công ty con hoàn thành kế hoạch đề ra, thực hiện gia công, tận dụng được năng lực MMTB tại các công ty con, trong khi tiết kiệm chi phí, giảm áp lực về sản xuất cho công ty mẹ. Nhờ sự phối hợp, giúp đỡ của Công ty mẹ, nhiều công ty con trong 02 nhóm công ty đã đạt hoặc xấp xỉ đạt sản lượng 100 triệu bao/năm theo quy định của Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ.

 

Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam cũng cho rằng, tái cơ cấu về cơ bản đã giảm mạnh tiến tới xóa bỏ cạnh tranh nội bộ, hướng cạnh tranh ra bên ngoài, nâng cao sức cạnh tranh chung của toàn Tổ hợp. Tái cơ cấu cũng giúp tạo cơ chế hỗ trợ vốn đầu tư giữa Công ty mẹ và các Công ty con, các Công ty mẹ có điều kiện đầu tư, bổ sung, thay thế và điều chuyển năng lực thiết bị trong Nhóm công ty mẹ - Công ty con. Hỗ trợ về đội ngũ cán bộ kỹ thuật, chuyên gia, nhân lực có trình độ, chuyên môn. Các Nhóm Công ty, sau khi thực hiện tái cơ cấu, đều có kết quả sản xuất kinh doanh tăng trưởng đáng kể. Các chỉ tiêu SXKD chính đều tăng so với thời điểm trước khi thực hiện tái cơ cấu, đặc biệt là chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ, doanh thu và lợi nhuận. Năng suất lao động, thu nhập của CBCNV tăng, đời sống, việc làm ổn định.

 

Bên cạnh những kết quả tích cực, ông Vũ Văn Cường cũng thẳng thắn thừa nhận, các công ty sau tái cơ cấu cũng còn một số việc chưa làm được, tồn tại, cần cải thiện trong thời gian tới. Cụ thể như, mặc dù cả nhóm công ty có sự tăng trưởng, các công ty mẹ có sự tăng trưởng mạnh, nhưng các công ty con tăng trưởng không đồng đều. Có công ty không tăng trưởng. Một số công ty con có nguy cơ không đạt được sản lượng 100 triệu bao/năm theo quy định tại Nghị định 67/NĐ-CP như: Đà Nẵng, Cửu Long, An Giang, Đồng Tháp. Cạnh tranh nội bộ giảm nhưng cơ cấu sản phẩm nội tiêu của các đơn vị còn nhiều bất cập. Số lượng sản phẩm phổ thông, cấp thấp nhiều, sản lượng thấp, chất lượng thấp, không có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Việc rà soát, loại bỏ các sản phẩm không hiệu quả chưa được thực hiện thường xuyên, quyết liệt. Năng suất lao động của các công ty con còn thấp. Cơ cấu lao động thiên về lao động phổ thông, lao động có trình độ thấp; thiếu đội ngũ cán bộ, lao động có trình độ cao về kỹ thuật, công nghệ và quản lý. Hệ thống quản trị, các quy chế, quy định chưa được hoàn thiện, còn thiếu và chậm xây dựng, ban hành.

 

 

 

 

 

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị

 

Một số tồn tại, hạn chế khác đã được Hội nghị phân tích, đánh giá. Để khắc phục những hạn chế này, Hội nghị cũng đã đưa ra nhiều định hướng, giải pháp và kế hoạch hành động. Đây đều là những định hướng, giải pháp hữu ích cho cả 02 nhóm công ty mẹ - công ty con. Tuy nhiên, ông Cường cũng đề nghị cả 02 nhóm công ty Thăng Long và Sài Gòn cần nghiên cứu để có thể triển khai sớm trong thời gian tới. 

 

Nguồn: moit.gov.vn