Tuy nhiên, thời gian qua, việc phát triển quá “nóng” các dự án thủy điện vừa và nhỏ đang dấy lên sự lo ngại trước nguy cơ phá vỡ quy hoạch. Không những thế, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra một số dự án thủy điện vừa và nhỏ không đảm bảo yếu tố kỹ thuật, đang trong quá trình xây dựng đập đã vỡ, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân vùng hạ du. Nỗi lo quản lý và giám sát các dự án thủy điện vừa và nhỏ đang bị buông lỏng khiến người dân hạ lưu không thể yên tâm khi mùa mưa bão đã đến.
Những vấn đề đặt ra
Từ thực tế vận hành cho thấy, hàng năm các dự án thủy điện nhỏ đảm bảo cung cấp nguồn điện tại chỗ cho địa phương với một sản lượng điện đáng kể, nhất là ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, lưới điện quốc gia chưa thể vươn tới. Riêng năm 2012, sản lượng điện do các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ cung cấp chiếm khoảng 19% tổng lượng điện phát ra từ thủy điện và 7% sản lượng điện toàn hệ thống. Các dự án thủy điện nhỏ chủ yếu khai thác địa hình tự nhiên, hồ chứa có dung tích nhỏ với chế độ điều tiết tích, xả nước trong ngày nên ít gây ảnh hưởng đến môi trường-xã hội .
Tuy nhiên, do phát triển quá “nóng” nên việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện vừa và nhỏ thời gian qua đã bộc lộ nhiều vấn đề tồn tại. Cụ thể do thiếu kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch nên Ủy ban Nhân dân các tỉnh đã quá dễ dàng trong việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cũng như chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư khiến Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh thường xuyên phải điều chỉnh, bổ sung.
Thực tế triển khai cũng cho thấy, Ủy ban Nhân dân các tỉnh chưa chú ý nhiều đến các yếu tố về xã hội, môi trường, phụ tải, hệ thống đấu nối điện, năng lực và kinh nghiệm của các nhà đầu tư… mà chỉ chú trọng đến yếu tố về kinh tế, dẫn tới cấp phép đầu tư cho quá nhiều dự án, thậm chí cả những dự án không có trong quy hoạch và sau này phải kiến nghị bổ sung, điều chỉnh.
Trong khi đó, trong quá trình thẩm định, Bộ Công Thương đều lưu ý các tỉnh cần kiểm tra, xem xét kỹ sự phù hợp của Quy hoạch thủy điện nhỏ với các Quy hoạch khác trên địa bàn như: phát triển kinh tế-xã hội, sử dụng đất, sử dụng nguồn nước, ảnh hưởng tới môi trường…Đặc biệt, tiến độ đầu tư các dự án phải phù hợp với tiến độ phát triển phụ tải và lưới điện truyền tải. Tuy nhiên, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát cũng như năng lực, kinh nghiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương còn hạn chế nên những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Quy hoạch chưa được rút kinh nghiệm để kịp thời xử lý.
Hiện nay, việc thẩm định, xem xét về Quy hoạch thủy điện nhỏ của tỉnh và Thiết kế cơ sở các dự án đã được Ủy ban Nhân dân các tỉnh giao Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện. Tuy nhiên, do Sở Công Thương các tỉnh đều thiếu hoặc chưa có cán bộ chuyên ngành thủy điện; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan của tỉnh chưa thực sự chặt chẽ; ngân sách cho nghiên cứu Quy hoạch hạn chế nên chất lượng Quy hoạch và Thiết kế cơ sở của dự án chưa thực sự đáp ứng yêu cầu và thường xuyên phải điều chỉnh, bổ sung.
Chủ đầu tư các dự án thủy điện nhỏ chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, thiếu cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm nên quản lý chất lượng chưa chặt chẽ. Vụ v ỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 ở Gia Lai ngày 12/6 vừa qua là một ví dụ. Cá biệt hiện nay vẫn còn chủ đầu tư cố tình không tuân thủ việc đăng ký và thực hiện việc đăng ký an toàn đập mặc dù đã được thông báo, nhắc nhở bằng công văn nhiều lần.
Đã có nhiều dự án thủy điện nhỏ được xây dựng không theo quy hoạch dẫn đến khi xây dựng xong không có đường đấu nối vào lưới điện quốc gia, lại phải kiến nghị chờ Tập đoàn Điện lực Việt Nam có phương án giải quyết trong khi chi phí đầu tư cho lưới điện đấu nối quá tốn kém lại không hiệu quả.
Các chuyên gia năng lượng cho rằng việc cấp phép đầu tư và xây dựng dự án thủy điện nhỏ một cách tràn lan có nguy cơ phá vỡ Quy hoạch thuỷ điện đã được phê duyệt cũng như Quy hoạch lưới điện truyền tải.
Chấn chỉnh quy hoạch, siết chặt quản lý
Để giải quyết các vấn đề nêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành và địa phương có liên quan kiểm tra, rà soát các Quy hoạch và việc cấp phép đầu tư các dự án thủy điện nhỏ.
Mới đây, qua kiểm tra tại 21/38 tỉnh có dự án thủy điện, Bộ Công Thương đã thống nhất với các tỉnh loại khỏi quy hoạch 338 dự án, gồm 2 dự án thủy điện bậc thang và 336 dự án thủy điện nhỏ; đồng thời không tiếp tục xem xét đưa vào quy hoạch 169 vị trí tiềm năng thủy điện. Các dự án, vị trí tiềm năng thủy điện bị loại bỏ đều thuộc đối tượng hiệu quả kinh tế thấp, tiềm ẩn khả năng tác động tiêu cực đến môi trường-xã hội, ảnh hưởng đến quy hoạch/dự án ưu tiên khác, hoặc nhà đầu tư trả lại do không khả thi.
Đối với các dự án còn lại trong quy hoạch nhưng chưa khởi công xây dựng hoặc mới triển khai xây dựng ở giai đoạn đầu, Bộ Công Thương đã thống nhất với các tỉnh xem xét loại khỏi quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ đối với 67 dự án và 3 vị trí tiềm năng trên cơ sở đánh giá kỹ hiệu quả, các tác động môi trường-xã hội, sự phù hợp với quy hoạch chung trên địa bàn...của từng dự án.
Theo Nghị định số 83/2009/NĐ-CP của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chỉ góp ý kiến về Thiết kế cơ sở của dự án. Như vậy, chủ đầu tư dự án có thể không tuân thủ hoàn toàn các yêu cầu đảm bảo an toàn công trình của cơ quan quản lý nhà nước để tiết kiệm chi phí, gây nguy cơ đối với tính mạng, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng trong khu vực. Do đó, đối với các dự án thủy điện nhỏ, cần phải có văn bản thẩm định Thiết kế cơ sở của cơ quan quản lý ngành, làm cơ sở phê duyệt Dự án đầu tư và lập Thiết kế kỹ thuật.
Việc yêu cầu các chủ đầu tư chủ động tìm đến nhau để cùng tham gia đấu nối một đường dây hạ áp sau đó đưa lên lưới 110kV sẽ là lời giải giảm chi phí một cách hiệu quả nhất.
Đối với Ủy ban Nhân dân các tỉnh khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý đầu tư xây dựng các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn đập; tăng cường kiểm soát về năng lực, kinh nghiệm, tiến độ thực hiện dự án của chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công.
Bên cạnh đó, giao cho một cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh làm đầu mối chủ trì và chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa, đảm bảo kiểm soát chất lượng công trình ngay từ khâu khảo sát thiết kế đến thi công xây dựng và vận hành đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư và quản lý đầu tư xây dựng các dự án thủy điện theo quy định.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức kiểm tra, rà soát chất lượng và đánh giá mức độ an toàn các công trình thủy lợi, thủy điện quy mô nhỏ trên địa bàn và có báo cáo trước ngày 31/7 tới.
Bộ Công Thương cho rằng, trong thời gian tới, các Bộ, ngành và địa phương có liên quan sẽ phải tiếp tục rà soát Quy hoạch và việc cấp phép đầu tư các dự án thủy điện nhỏ song song với tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc đầu tư xây dựng các dự án này nhằm khắc phục kịp thời các hạn chế để đảm bảo mục tiêu: Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội
Theo Xaluan.com