05/09/2011 10:33:06
Nhận thức được điều ấy, trong 5 năm trở lại đây, một số DN của ngành cơ khí đã có bước tiến dài trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường nội địa. Trong lĩnh vực cơ khí đóng tầu, Vinashin là DN đầu tiên của VN tiến hành thiết kế tầu cỡ lớn, trang bị các phần mềm (Mars, Autoship, Autoplate…) để đưa vào sản xuất vỏ tầu. Việc thiết kế tự động vỏ và kết cấu vỏ tầu đã giảm được thời gian thi công và tiết kiệm tối đa vật liệu. Một số đề tài và dự án KHCN liên quan đến đóng tầu mới chở dầu thô 100.000 T, tầu hàng xuất khẩu 53.000 T, chế tạo các loại cổng trục 450 T, cần cẩu chân đế 180 T đã được Vinashin nghiên cứu thành công, góp phần nâng cao năng lực sản xuất cho các DN thành viên.
Với ngành cơ khí lắp máy, Lilama sớm trở thành “anh cả” nhờ biết đầu tư tập trung nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ. DN được Chính phủ tin tưởng và ưu ái giao thực hiện nhiều dự án quan trọng như: Hợp đồng tổng thầu EPC dự án nhiệt điện Uông Bí mở rộng với giá trị gần 300 triệu USD, dự án nhiệt điện Cà Mau 1 & 2, nhiệt điện Nhơn Trạch… Hay như Tổng công ty Cơ khí xây dựng với định hướng đầu tư cho công nghệ mới để bắt kịp trình độ DN nước ngoài, đến nay DN này đã hoàn chỉnh được dây chuyền sản xuất gạch ép chân không, thiết kế và chế tạo dàn không gian đa chiều không giới hạn khẩu độ đảm bảo chất lượng tương đương nhưng giá thành chỉ bằng 60% hàng nhập ngoại cùng loại.
Song những điểm sáng trên chưa đủ sức làm “bừng” lên bức tranh ngành cơ khí VN, khi mà tình trạng bao cấp trong đầu tư phát triển ngành vẫn còn phổ biến. Trước đây, các DN Nhà nước thường được thiên vị về vốn vay, thuế ưu đãi. Nay những hỗ trợ này tuy đã được bãi bỏ theo nguyên tắc gia nhập WTO nhưng nhìn chung DN Nhà nước vẫn được hưởng nhiều ưu ái trong đầu tư KHCN. Điều này đang tạo nên sự phát triển khập khiễng giữa các DN.
Thực tế cho thấy, ngành cơ khí đang có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, có nhiều DN tư nhân đã đủ năng lực sản xuất các loại xe khách, xe bus, xe tải nhỏ… Ngành cơ khí VN sẽ ra sao nếu thiếu đi những cái tên: ô tô Trường Hải, Xuân Kiên, Samco (Tổng Cty cơ khí GTVT Sài Gòn)… Nhưng để nhân rộng nhiều hơn những thương hiệu này thì cần có thêm bàn tay hỗ trợ về công nghệ của Nhà nước: Thuê chuyên gia, mua thiết kế, mua/chuyển giao công nghệ. Bài học phát triển ngành công nghiệp từ nước láng giềng Trung Quốc đã cho thấy, DN tư nhân cũng như DN Nhà nước đều phải được đối xử bình đẳng, được tạo điều kiện phát triển công nghệ - một hình thức trợ cấp không bị cấm theo quy định của WTO.
Kế hoạch phát triển ngành cơ khí trọng điểm từ nay đến năm 2010 là nước ta phải đáp ứng tối thiểu 45% - 50% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước và xuất khẩu 30% giá trị sản lượng, doanh số đạt bình quân từ 3,5 - 4 tỷ USD. Theo ông Nguyễn Văn Thụ: “Nếu không có sự đầu tư xứng đáng cho ngành cơ khí thì chúng ta sẽ mất thị phần trong nước, chịu số phận của kẻ làm thuê, bị các tập đoàn tài chính và công nghiệp nước ngoài bóc lột theo hình thức mới”. Đây là một thách thức không nhỏ để đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp hoá vào năm 2020.