Bộ Công Thương cho biết, tháng 5/2014, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 2,0% so với tháng 4 và tăng 5,9% so với năm 2013. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 0,8%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,5%; sản xuất, phân phối điện tăng 10,4%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, IIP tăng 5,6%, đây là mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2013, trong đó nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,5%, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành.
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tháng 5 ước đạt 240,27 nghìn tỷ đồng, tăng 1,38% so với tháng trước; tính chung 5 tháng đầu năm tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịnh vụ ước đạt 1.178,98 nghìn tỷ đồng, tăng 11,01% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 5,99%. |
Theo Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 58,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 56,9 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ; xuất siêu khoảng 1,65 triệu USD. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đã có những bứt phá đáng kể với con số ước đạt 19,05 tỷ USD, chiếm 32,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới, chủ động về nguồn cung nguyên liệu là bước đi được nhiều ngành sản xuất đang thực hiện nhằm gia tăng tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm và giải phóng hàng tồn kho. Hiện nay, để chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện khai thác các cơ hội đến từ Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, sự chủ động về nguồn cung trong ngành, nhất là sợi, dệt nhuộm, đang gia tăng nhanh chóng. Nhiều doanh nghiệp sản xuất sợi quy mô lớn trong nước đều có kế hoạch mở rộng quy mô đầu tư, nâng cao năng lực cung cấp sợi, giảm dần giá trị nhập khẩu.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Công Thương triển khai trong tháng 6 là tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giao thương xúc tiến các ngành hàng xuất khẩu có tiềm năng như thực phẩm chế biến, thủy sản, nông sản nhằm củng cố, phát triển thị trường xuất khẩu truyền thống, tiềm năng như EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... và khai thác thị trường xuất khẩu mới ở Tây Á.
Theo Báo Công thương