Bạn đang ở đây

Sản xuất trong nước có nhiều tín hiệu khả quan

06/03/2014 14:18:16

Sản xuất có dấu hiệu hồi phục

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (theo năm gốc so sánh năm 2010) tháng 2 tăng 15,2% so với tháng 2 năm 2013. Tính chung 2 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Những ngành công nghiệp có tốc độ tăng cao với cùng kỳ năm trước gồm: sản xuất bia tăng 7,5%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 10,5%; sản xuất giày dép tăng 19,2%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất tăng 2,9% (trong đó tăng cao nhất là sản xuất sơn, véc ni và các chất sơn, quét tương tự, sản xuất mực in và ma tít tăng 12,3%); sản xuất xi măng tăng 6,9%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ thạch cao tăng 4,4%; sản xuất kim loại màu và kim loại quý tăng 275,9%, v.v...

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 và 2 tháng năm 2014 (%)

Trong khi đó, Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 1 năm 2014 giảm 2,8% so với tháng trước và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01 tháng 02 năm 2014 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng thời điểm năm trước.

Trong khi các ngành thép, phân bón, xe máy còn gặp nhiều khó khăn thì sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may của các doanh nghiệp đang có nhiều thuận lợi, đơn hàng sản xuất ổn định, các thị trường xuất khẩu dần hồi phục. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tháng 2 ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 44,9% so với tháng 2 năm 2013, tính chung 2 tháng đầu năm 2014 tăng 30,1% so với cùng kỳ.

2 tháng đầu năm 2014, cả nước xuất siêu ước 244 triệu USD

Kim ngạch nhập khẩu tháng 2 đạt 10,8 tỷ USD, tăng 7,8% so với tháng 1 và 2 tháng đạt hơn 20,8 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Đặc biệt, các doanh nghiệp 100% vốn trong nước tăng trưởng tốt (2 tháng tăng 16,8%) cho thấy doanh nghiệp đã dám đầu tư, nhập khẩu nguyên liệu và tạo tín hiệu phục hồi cho sản xuất kinh doanh. Về xuất khẩu, 2 tháng đầu năm, kim ngạch đạt hơn 21 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm 2014, cả nước xuất siêu ước 244 triệu USD, bằng khoảng 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Xuất nhập khẩu hàng hóa, cán cân thương mại 2 tháng đầu năm 2014 và 2 tháng đầu năm 2013 (triệu USD)

Xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp 100% vốn trong nước đã có sự tăng trưởng (tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của khối này so với cùng kỳ lần lượt là 13,2% và 16,8%). Kim ngạch nhóm hàng cần nhập khẩu phục vụ sản xuất (nguyên, nhiên, phụ liệu, máy móc thiết bị) có mức tăng cao so với cùng kỳ, chiếm 87,8% tổng kim ngạch nhập khẩu cho thấy xu hướng phục hồi của nền kinh tế. Các mặt hàng tiêu dùng cần hạn chế hay kiểm soát nhập khẩu được quản lý tốt, mức tăng nhập khẩu hai nhóm hàng này đều thấp hơn mức tăng chung tổng kim ngạch nhập khẩu.

Thị trường hàng hóa nhìn chung ổn định

Theo nhận định chung, trong và sau Tết Nguyên đán, thị trường trong nước không xảy ra tình trạng sốt hàng, sốt giá do công tác bình ổn thị trường được các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai. Tuy nhiên, sức mua trên thị trường còn hạn chế, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ trong tháng 2 ước đạt 234,3 nghìn tỷ đồng giảm 2,3% so với tháng trước; tính chung 2 tháng đầu năm tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịnh vụ ước đạt 474,09 nghìn tỷ đồng tăng 11,6% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 6,2%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 năm 2014 tăng 0,55% so với tháng trước và tăng 1,24% so với tháng 12 năm trước. Trong tháng 2, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,15%, trong đó lương thực tăng 0,68%, thực phẩm tăng 1,16% và ăn uống ngoài gia đình tăng 1,6%. Riêng nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng giảm 0,64% do ảnh hưởng của việc giá gas giảm mạnh và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02% so với tháng trước. Các nhóm hàng hóa khác tăng từ 0,05% đến 0,66%.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng và thực hiện các giải pháp hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ sản phẩm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; Tăng cường quản lý thị trường, kiểm tra, giám sát các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; kiểm soát giá đối với những mặt hàng thiết yếu; Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, v.v...

Đồng thời, Bộ cũng đề xuất và thực hiện có hiệu quả các biện pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu: đẩy mạnh thực hiện quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng khuyến khích liên kết giữa người sản xuất và thương nhân xuất khẩu; nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách để thực hiện và khai thác có hiệu quả các cơ hội, các ưu đãi trong cam kết quốc tế; đa dạng hóa thị trường ngoài nước, khai thác hiệu quả các thị trường có Hiệp định thương mại tự do; ưu tiên xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực (gạo, cà phê, cao su, tôm, cá, cây ăn quả...) vào các thị trường xuất khẩu trọng điểm, thị trường mới có nhiều tiềm năng gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu, v.v… 

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương