Bạn đang ở đây

Sản xuất kinh doanh chè 2009: Phải có giải pháp mạnh ngay từ đầu năm

31/08/2011 16:02:42
So với các tỉnh sản xuất, kinh doanh chè phía Bắc thì Yên Bái chỉ đứng sau Lâm Đồng và Thái Nguyên, nhưng cây chè đã gắn bó với người dân từ 35-40 năm trở lại đây. Từ nhiều năm qua, cây chè không chỉ là cây góp phần xoá đói, giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn, mà còn là cây chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương. Kết thúc năm 2008, sản lượng thu hái đạt 80 ngàn tấn búp tươi, sản xuất, chế biến gần 20 ngàn tấn chè thành phẩm. Giá trị thu nhập từ chè đạt trên 300 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Mục tiêu phát triển chè của Yên Bái đến năm 2010 và những năm tiếp theo là ổn định 13 ngàn ha chè kinh doanh, khai thác hiệu quả, chế biến theo hướng chè tinh, chè sạch giành phần lớn thị phần nội tiêu và xuất khẩu. Tuy nhiên, sản xuất, kinh doanh chè liên tục gặp khó khăn vì giá cả đầy biến động.
 
Những năm trước đây có tới 70-80% chè được xuất khẩu, mang một nguồn ngoại tệ lớn về cho tỉnh, nhưng trong năm 2008 lượng chè xuất khẩu đạt rất thấp, nếu như chúng ta không muốn nói là không xuất khẩu được. Doanh nghiệp không xuất khẩu được, chủ yếu là bán nội tiêu, bán ủy thác dẫn đến giá thành thấp, không ổn định. Năm qua nhiều doanh nghiệp tưởng chừng như không đứng vững được, nhà máy sản xuất cầm chừng, có những lúc nằm dài cổ đón nguyên liệu, công nhân thiếu việc, thu nhập giảm. Khó khăn của các doanh nghiệp kéo theo hệ lụy khiến người trồng chè lao đao, khốn khó. Sản lượng búp tuy có tăng nhưng giá giảm, bình quân từ 1.000 đồng-1.500 đồng/kg búp, chỉ thuê người hái bán cũng không đủ trả tiền công nói gì đến phân bón, đầu tư, khấu hao nương chè. Như chúng ta đã biết, chè của Việt Nam nói chung và của Yên Bái nói riêng phần lớn lượng chè là xuất khẩu. Trong tổng số gần 20 ngàn tấn chè sơ chế của Yên Bái thì có trên 80% là chè đen, trong khi đó thị trường chè nội tiêu là chè xanh. Cũng theo số liệu của Hiệp hội chè Việt Nam trong năm 2008, khối lượng chè xuất khẩu chính ngạch chỉ đạt 104 ngàn tấn, giảm 5,4% so với cùng kỳ, xuất khẩu tiểu ngạch chỉ đạt 40%.     
 
 
 
Bên cạnh đó, sản xuất kinh doanh chè còn gặp hàng loạt những khó khăn khác như: giống, vốn, công nghệ chế biến lạc hậu…Trước những khó khăn đó, đòi hỏi ngành chè, nhất là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè phải có giải pháp mạnh ngay từ đầu năm. Trước tiên chúng ta phải xác định, muốn tăng giá trị kinh tế, tiêu thụ khối lượng lớn phải xuất khẩu. Mà muốn tăng khối lượng chè xuất khẩu đòi hỏi sản phẩm phải đạt chất lượng cao, đặc biệt là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là chè sạch. Do vậy muốn tiêu thụ được chè trong năm 2009 và những năm tiếp theo, mục tiêu số một là phải sản xuất chè an toàn. Mục tiêu này không phải là mới và bây giờ mới biết, mà từ nhiều năm nay Yên Bái đã triển khai nhưng chưa đột phá, mới chỉ dừng lại ở mô hình. Muốn cải thiện tình hình này, ngoài việc cải tạo giống cũ bằng giống tiến bộ, doanh nghiệp cần thay đổi dây chuyền chế biến, thu hái đúng phẩm cấp, quy trình.
 
Đề án phát triển chè giai đoạn 2005-2010, cùng với tỉnh có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp sản xuất chè, áp dụng mô hình sản xuất chè sạch. Doanh nghiệp có cơ chế, liên kết với nông dân sản xuất chè sạch bằng việc thu mua nguyên liệu ổn định, giá cao. Song song với đó, đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất “chè bẩn”  ảnh hưởng đến thương hiệu, giá trị chè Yên Bái cần xử lý triệt để. Một vấn đề nữa là doanh nghiệp và nông dân cần có sự bắt tay chặt chẽ trong thu mua nguyên liệu, hái đúng phẩm cấp, mua đúng phẩm cấp. Mà chỉ có nguyên liệu tốt, dây chuyền chế biến tốt mới cho chè cấp cao. Chè cấp cao dĩ nhiên giá bán cũng cao mà chỉ có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng khó tính của thị trường. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường. Ngoài việc đa dạng hoá thị trường nên tập trung khai thác thị trường Trung Đông, EU. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta bỏ thị trường nội tiêu đầy tiềm năng. Có điều thị trường nội tiêu đòi hỏi chè xanh, chất lượng không phải là quá thấp, mẫu mã, bao bì và thương hiệu sản phẩm.
    
Các giải pháp đó cần được khẩn trương triển khai. Có như vậy mới hy vọng đầu ra cho sản phẩm sáng sủa hơn, để người trồng chè và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè vượt qua được khó khăn.
 
Thanh Phúc