Bạn đang ở đây

Sản xuất, kinh doanh chè 2009: Nâng cao chất lượng, giải quyết tốt thị trường

31/08/2011 16:13:00
Một trong những giải pháp tốt nhất trong sản xuất kinh doanh chè đối với các doanh nghiệp hiện nay là phải có chiến lược kinh doanh tốt, đồng thời lấy nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành là trọng yếu, xác định thị trường và tiêu thụ sản phẩm là khâu quyết định giữ vững và nâng cao hiệu quả sản xuất chè. Muốn làm được như vậy, doanh nghiệp phải định hướng, nỗ lực đầu tư xây dựng chiến lược sản phẩm, để từ đó có phương án sản xuất ổn định, bền vững.
Ngoài việc duy trì tốt với các bạn hàng truyền thống, doanh nghiệp, phải tiếp tục xúc tiến, tìm kiếm thị trường mới và sản xuất các sản phẩm nội tiêu có chất lượng; xây dựng và áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn về quản lý chất lượng, nâng cao chất lượng chế biến giữ uy tín và sức cạnh tranh trên thị trường.
Một vấn đề khá quan trọng trong chiến lược kinh doanh là tạo lập, đoàn kết, nhất trí trong sản xuất và tiêu thụ chè thông qua “hiệp hội” để cùng thực hiện chính sách, biện pháp, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất.
Một thời gian dài đã qua, các doanh nghiệp chè của Yên Bái chỉ sản xuất chè đen xuất khẩu mà “quên mất” thị trường nội tiêu. Trong năm 2008, toàn tỉnh sản xuất trên 20 ngàn tấn chè các loại,trong đó có 4.250 tấn chè thành phẩm, chè đen bán thành phẩm 13.950 tấn, nhưng chỉ có chưa đầy 2050 tấn chè xanh bán nội tiêu và xuất khẩu. Rõ ràng các doanh nghiệp của ta cứ cố vươn ra biển khơi mênh mông để đánh bắt, trong khi ao nhà hầu như bỏ không.
Khi nói về câu chuyện tiêu thụ chè, một vị có thâm niên trong làng chè, từng làm quản lý trong một doanh nghiệp chè nổi tiếng nói: Thị trường trong nước lớn lắm, cái chính là làm thế nào để khai thác được thị trường này là cả một vấn đề và phụ thuộc vào mỗi doanh nghiệp". Ông lý giải, chẳng nói đâu xa, chỉ ngay thị trường trong tỉnh, với trên 80 vạn dân Yên Bái, bét ra cũng có 40 vạn người, mỗi người uống 1kg chè/năm thì cũng đã tiêu thụ một lượng chè không nhỏ. Mà người uống trà của ta bây giờ cũng sành lắm, trà phải ngon giá trên trăm ngàn đồng/kg cả đấy, vậy tại sao ta không sản xuất để bán.
Được mệnh danh là thủ phủ của chè, vậy mà trong các siêu thị, nhà hàng, sạp hàng bày bán toàn là chè của Hà Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, thậm chí chè từ Bảo Lộc, Lâm Đồng cũng chiếm một thị phần lớn trên thị trường, xót xa lắm chứ. Một chè Shan tuyết Suối Giàng đã thành thương hiệu, nay cũng mai một bởi chất lượng và một chè Bát Tiên vừa được người tiêu dùng chấp nhận nay cũng đã kém xưa. Rõ ràng thị trường trong nước là một thị trường đầy tiềm năng, nếu khai thác tốt hiệu quả còn cao hơn cả xuất khẩu. Muốn phát triển tốt thị trường này doanh nghiệp cần tìm hiểu thị trường, nhu cầu, thị hiếu và yêu cầu về chủng loại, chất lượng sản phẩm, từ đó chủ động, linh hoạt trong sản xuất, chế biến.
Song song việc tìm kiếm, xác lập thị trường chúng ta cần nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, đây được xác định là khâu khá quan trọng trong thành bại của ngành chè. Bắt buộc các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè trên địa bàn đều phải sản xuất, chế biến đạt chất lượng theo tiêu chuẩn tại Quyết định 4747/QĐ-BNN-KHC ngày 31/12/2004 và tham gia chế biến chè theo lộ trình, kế hoạch triển khai Nghị quyết 02-NQ/TU, Đề án phát triển chè giai đoạn 2006-2010. Những cơ sở không đảm bảo tiêu chuẩn kiên quyết xử lý, đình chỉ hoạt động.
Doanh nghiệp và các địa phương có vùng nguyên liệu chỉ đạo công nhân, nông dân thu hái chè đúng kỹ thuật, hái san trật, hái đúng phẩm cấp để tăng năng suất và chất lượng búp cho chế biến. Thu hái đến đâu đưa về chế biến ngay đến đó, không để tồn đọng, vận chuyển vòng vo làm giảm chất lượng nguyên liệu.
Cùng với đó, các doanh nghiệp phải thống nhất giá thu mua hợp lý, để người làm chè sống được bằng chè, không thu mua chè hái không đúng phẩm cấp. Trong chế biến cần quan tâm, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chế biến đáp ứng yêu cầu ngày càng khó tính của thị trường. Thực hiện nghiêm túc chặt chẽ quy trình chế biến và bảo quản sau chế biến…
Những vấn đề nêu trên không phải là mới, nhưng trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, buộc các doanh nghiệp phải giải quyết tốt, cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh và gói kích cầu của Chính phủ, chắc chắn sản xuất, kinh doanh chè vẫn gặt hái được thành công.
Thanh Phúc