Yên Bái là một địa phương có diện tích chè khá lớn với trên 12.000ha, mỗi năm chế biến trên 26.000 tấn chè thành phẩm và có hàng vạn hộ nông dân sống bằng nghề chè cũng như có hàng loạt các công ty, doanh nghiệp chế biến chè nhưng sản xuất, kinh doanh chè luôn gặp khó khăn. Có những năm, do ảnh hưởng của thời tiết dẫn đến chè sinh trưởng, phát triển kém nhưng có lẽ, nguyên nhân chính là quá trình sản xuất chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Người trồng chè sản xuất tràn lan, thu hái không theo phẩm cấp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khá tùy tiện; chế biến thì công nghệ lạc hậu, không xây dựng được thương hiệu sản phẩm, chè sản xuất phẩm cấp thấp. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ chè khó khăn, các sản phẩm chè phẩm cấp cao giá không tăng nhưng mọi chi phí đầu vào lại tăng mạnh.
Cùng với đó là sự khó khăn chung của nền kinh tế đã kéo theo hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, thậm chí có khá nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè cũng không ngoại lệ, đã có hơn chục doanh nghiệp phải đóng cửa nhà máy.
Đặc biệt, trong 9 tháng của năm 2014, thị trường tiêu thụ chè đặc biệt khó khăn nhưng Công ty cổ phần Chè Liên Sơn vẫn sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Sản xuất thu mua 2.360 tấn chè búp tươi, chế biến xuất khẩu được 550 tấn, doanh thu của doanh nghiệp đạt trên 12 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 1,5 tỷ đồng, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho 100 lao động. Nếu chỉ nhìn vào những con số đó thì không phải là lớn song với việc sản xuất, kinh doanh chè khó khăn như hiện nay thì không phải doanh nghiệp nào cũng làm được như vậy.
Đạt được những kết quả đó, ngoài việc phải cạnh tranh gay gắt nguyên liệu với các thành phần kinh tế khác, Công ty đã xây dựng được một chiến lược sản phẩm và vùng nguyên liệu bền vững cùng với tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, quản lý. Song song với tích cực đầu tư vùng nguyên liệu của mình, đơn vị còn tăng cường mối liên kết với người dân vùng nguyên liệu bằng ký kết các hợp đồng thu mua nguyên liệu ổn định và tái đầu tư vùng nguyên liệu.
Đã gần chục năm nay, năm nào Công ty cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng tiền vốn mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hộ dân nào thiếu vốn, có nhu cầu phân bón đầu tư cho sản xuất luôn được doanh nghiệp sẵn sàng cung ứng. Bên cạnh đó, trong thu mua nguyên liệu, đơn vị không chạy theo số lượng mà chỉ thu mua chè búp thu hái đúng phẩm cấp, kiên quyết không mua chè thu hái quá mức quy định.
Ông Phan Văn An cho biết: "Mua chè không bảo đảm phẩm cấp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới vùng nguyên liệu, năng suất giảm và không bền vững về lâu dài". Giám đốc An dẫn chúng tôi đi xem quy trình sản xuất, chế biến chè của Công ty ở tất cả các công đoạn từ làm héo, vò, sấy... đến phân loại sản phẩm gần như tự động hoàn toàn và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện theo tiêu chuẩn ISO. Không dừng lại ở đó, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, Công ty đã và đang xây dựng dự án phát triển chè sạch, chè an toàn theo tiêu chuẩn GAP, HACCP khép kín.
Đến nay, đã có 283 hộ làm chè của doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận với diện tích 237ha chè ở 5 đội sản xuất về sản xuất nông nghiệp tốt cho chè búp tươi an toàn theo VietGAP. Doanh nghiệp cũng đã trồng cải tạo, thay thế 400ha chè bằng giống mới, đáp ứng cho chế biến chè xuất khẩu. Trên vùng chè này có hệ thống giao thông gồm đường trục chính, đường lên đồi và công trình thủy lợi tưới nước cho chè đồng thời đầu tư, nâng cấp cơ sở chế biến. Đơn vị thường xuyên tổ chức đào tạo, hướng dẫn cho công nhân, nông dân trong vùng nguyên liệu các kiến thức về GAP, HACCP và các quy tắc sản xuất an toàn khác về chè.
Để thay đổi được tập quán canh tác ở một địa phương vùng cao không hề đơn giản nhưng không có con đường nào khác bởi thị trường hiện nay đòi hỏi rất khắt khe, nhất là đối với các sản phẩm chè sạch, chè an toàn. Muốn phát triển, sản xuất, kinh doanh hiệu quả và bền vững doanh nghiệp buộc phải có chiến lược sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Không riêng gì Công ty cổ phần Chè Liên Sơn mà hiện nay, ngành nông nghiệp đã và đang triển khai dự án sản xuất nông nghiệp tốt cho chè búp tươi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Trấn Yên, Văn Chấn, Yên Bình... bước đầu phát huy hiệu quả tốt. Xã Bảo Hưng (Trấn Yên) là một minh chứng rõ nét nhất, cây chè ở đây không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà đã thực sự trở thành một cây kinh tế mũi nhọn. Với hướng đi đó, chắc chắn hoạt động sản xuất, kinh doanh chè của Yên Bái sẽ ngày một phát triển bền vững.
Theo YBĐT