Bạn đang ở đây

Quy định pháp luật mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông

14/10/2011 09:40:13

Nghị định 83/2011/NĐ-CP là văn bản đầu tiên quy định riêng về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông. Trước đây các quy phạm pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này được quy định chung với các lĩnh vực khác như: bưu chính và tần số vô tuyến điện. Hiện nay, trước sự phát triển nhanh chóng về công nghệ viễn thông, trên thực tế nhiều hành vi vi phạm pháp luật thông qua lĩnh vực viễn thông đã xuất hiện và ngày càng tinh vi, các chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính quy định trước đây quá nhẹ nên không đủ răn đe. Do đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2011/NĐ-CP bổ sung thêm quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều hành vi vi phạm mới, đồng thời tăng mức xử phạt để đảm bảo tính răn đe cá nhân, tổ chức vi phạm là điều cần thiết.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông là 01 năm kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hay phạt tiền. Tùy theo tính chất mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không thời hạn các loại giấy phép, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Ngoài các hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hay nhiêu các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc tiêu hủy vật phẩm; buộc thu hồi hoàn trả kinh phí …

Tại phần quy định cụ thể hình thức và các mức phạt đối vớicác hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, Nghị định số 83/2011/NĐ-CP chia thành 10 nhóm hành vi vi phạm: vi phạm các quy định về kinh doanh viễn thông; viễn thông công ích; thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông; giấy phép viễn thông; các quy định kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông; về tài nguyên viễn thông; các quy định về quản lý chất lượng, giá cước và khuyến mại dịch vụ viễn thông, các quy định về công trình viễn thông; đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng viêcn thông và an ninh thông tin; vi phạm quy định về tranh chấp, khiếu nại, chế độ báo cáo, không chấp hành sự thanh tra, kiểm tra.

Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất của Nghị định số 83/2011/NĐ-CP là nâng mức phạt tiền để tăng cường tính răn đe hành vi vi phạm và bổ sung thêm một số hành vi mới. Trong 10 nhóm hành vi vi phạm trên, ngoài một số hành vi về Giấy phép, về thiết lập mạng viễn thông, cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông… Nghị định quy định mới về hành vi vi phạm về cạnh tranh và quy định chế tài mạnh mẽ đối với các hành vi xâm phạm lợi ích của khách hàng.

Theo đó, hành vi cạnh tranh có thể bị xử phạt tới 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu sử dụng thông tin của doanh nghiệp khác để cạnh tranh không lành mạnh hoặc thực hiện bù chéo dịch vụ viễn thông để cạnh tranh không lành mạnh.

Để đảm bảo quyền lợi khách hàng được Nghị định còn quy định xử phạt nhiều hành vi không đáp ứng, hoặc đáp ứng không đầy đủ từ bên cung cấp dịch vụ đến khách hàng, với mức phạt khá nặng. Đơn cử, điều 16 của Nghị định 83/2011/NĐ-CP quy định sẽ phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi cung cấp dịch vụ 116 (dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao điện thoại cố định) không đáp ứng một trong các chỉ tiêu chất lượng. Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong những hành vi không trợ giúp tra cứu đối với số máy điện thoại cố định của các doanh nghiệp viễn thông có đăng ký trong danh bạ điện thoại công cộng; không thiết lập phương thức trợ giúp tra cứu số thuê bao điện thoại cố định theo quy định; không triển khai hoặc triển khai không đúng hệ thống cung cấp dịch vụ 116 dự phòng. Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi không cung cấp miễn phí cho người sử dụng dịch vụ điện thoại cố định danh bạ điện thoại công cộng.

Đối với các quy định về truyền đưa thông tin trên mạng viễn thông, sẽ phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động viễn thông để thực hiện một trong các hành vi: kích động mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc; đe dọa, quấy rối, xúc phạm, xuyên tạc, vu khống uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm. Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi thu trộm, nghe trộm thông tin trên mạng viễn thông; đánh cắp và sử dụng trái phép mật khẩu, khóa mật mã, thông tin riêng của tổ chức, cá nhân; ngăn cản bất hợp pháp việc truy nhập thông tin của tổ chức, cá nhân.

Đáng chú ý tại Nghị định này là các mức phạt về vi phạm các quy định về truyền đưa thông tin trên mạng viễn thông. Trong đó, có các mức phạt cho hành vi phát tán tin nhắn rác gây bức xúc cho người sử dụng điện thoại di động hiện nay. Mức phạt lên đến 30 – 50 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động viễn thông nhằm kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; Gửi, phát tán tin nhắn rác; Dịch vụ cung cấp có nội dung thông tin bói toán, mê tín dị đoan; thông tin có nội dung cờ bạc, lô đề hoặc để phục vụ chơi cờ bạc, lô đề.

Ngoài ra, tại Nghị định này còn còn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thu hồi lợi nhuận do vi phạm mà có; buộc thu hồi đầu số, kho số viễn thông, v.v...

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2011 và bãi bỏ Mục 2, Mục 4, Mục 5 và Mục 6 Chương II Nghị định số 142/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2004 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện, Nghị định số 50/2009/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2009 bổ sung Điều 12a Nghị định số 142/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện.

Theo Bộ Công Thương