Cụ thể, Thông tư số 88/2011/TT-BTC quy định kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia được lấy từ nguồn chi cho Chương trình Xúc tiến thương mại – Đầu tư – Du lịch hàng năm.
Các nội dung và phạm vi chi kinh phí được xác định bao gồm:
1. Chương trình xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu có các nội dung chi: Thông tin thương mại, nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu các thị trường xuất khẩu trọng điểm theo ngành hàng; tuyên truyền xuất khẩu; thuê chuyên gia trong và ngoài nước tư vấn phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển xuất khẩu, thâm nhập thị trường nước ngoài; đào tạo, tập huấn ngắn hạn trong và ngoài nước nhằm nâng cao nghiệp vụ xúc tiến thương mại; tổ chức tham gia hội chợ triển lãm thương mại; tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài; tổ chức hoạt động xúc tiến tổng hợp; tổ chức đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam giao dịch mua hàng; tổ chức hội nghị quốc tế ngành hàng xuất khẩu tại Việt Nam,v.v …
2. Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước có các nội dung: Tổ chức hội chợ, triển lãm hàng tiêu dùng tổng hợp hoặc vật tư máy móc, thiết bị phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; tổ chức các hoạt động bán hàng, thực hiện các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu đô thị; điều tra, khảo sát, nghiên cứu thị trường trong nước, xây dựng cơ sở dữ liệu các mặt hàng quan trọng thiết yếu; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; hỗ trợ công tác quy hoạch, quản lý, vận hành cơ sở hạ tầng thương mại, v.v …
3. Chương trình xúc tiến thương mại miền núi, biên giới, hải đảo có các nội dung: Phát triển hệ thống phân phối hàng Việt từ khu vực sản xuất đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa…; xây dựng và cung cấp thông tin thị trường biên giới, cửa khẩu Việt Nam và các nước có chung biên giới; tổ chức các hoạt động giao nhận, vận chuyển và dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới; tổ chức hoạt động giao dịch thương mại và đưa hàng vào Khu kinh tế cửa khẩu; các hoạt động nâng cao năng lực cho thương nhân tham gia xuất khẩu hàng hóa qua biên giới và thương nhân tại các khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hải đảo, v.v …
Thông tư này cũng quy định đơn vị chủ trì được thực hiện tạm ứng kinh phí tại kho bạc nhà nước căn cứ trên cơ sở dự toán ngân sách phân bổ cho chương trình đã được Bộ Tài chính có ý kiến thống nhất và hợp đồng thực hiện đề án của Bộ Công Thương.
Đối với chế độ thanh quyết toán kinh phí, căn cứ Thông báo phê duyệt thanh toán kinh phí hỗ trợ cho chủ chương trình, chậm nhất ngày 31 tháng 01 năm sau, Bộ Công Thương tổng hợp quyết toán kinh phí chương trình xúc tiến thương mại quốc gia của năm theo đối tượng đơn vị chủ trì thực hiện chương trình, nội dung chương trình và số lượng đơn vị/doanh nghiệp tham gia chương trình; đánh giá tổng thể tình hình thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia gửi Bộ Tài chính.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2011.
Chi tiết Thông tư xem tại đây.