Bạn đang ở đây

Quản lý tốt vệ sinh an toàn thực phẩm góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân

29/07/2013 14:29:48

Vệ sinh an toàn thực phẩm rất quan trọng trong những bữa ăn hàng ngày và liên quan đến sức khoẻ, đến thể chất của con người, và đến nguồn nhân lực để phát triển đất nước, đóng góp quan trọng vào việc duy trì một nòi giống. Nguồn lương thực hàng ngày mang đến chất bột (tinh bột, gạo, khoai, ngũ cốc...từ thực vật) , chất dầu, mỡ (các loại dầu ăn thực vật, hoặc mỡ động vật), chất đạm (protein tử động vật như thịt, cá, trứng, sữa hoặc từ thực vật như các loại đậu) và các loại vitamin, muối khoáng chứa trong các nguồn thực phẩm hàng ngày.

Vệ sinh an toàn thực phẩm là tất cả điều kiện, biện pháp cần thiết từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, vận chuyển cũng như sử dụng nhằm bảo đảm cho thực phẩm sạch sẽ, an toàn, không gây hại cho sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Vì vậy, vệ sinh an toàn thực phẩm là công việc đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành và các cấp chính quyền, Sở Nông nghiệp, Sở Y tế, Chi cục An toàn thực phẩm, Sở Công Thương, Chi cục quản lý thị trường, Công an tỉnh và các cơ sở chế biến thực phẩm,  người tiêu dùng. Vệ sinh an toàn thực phẩm có vị trí quan trọng trong công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh, tăng cường sức lao động, học tập, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, văn hóa xã hội và thể hiện nếp sống văn minh.

Mặc dù cho đến nay đã có khá nhiều tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong công tác bảo vệ và an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như biện pháp quản lý giáo dục về an toàn vệ sinh thực phẩm như: Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm ngày 17/6/2010; Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định thi hành chi tiết một số điều của luật Vệ sinh an toàn thực phẩm; Thông tư 29/2012/TT-BCT ngày 05/10/2012 quy định cấp, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương; Thông tư số 45/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012, Quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; Nghị định số 91/2012/NĐ-CP ngày 8/11/2012 của Chính Phủ  quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó tăng cường công tác thanh kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, nhằm hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. 

Hiện nay, qua các kênh thông tin vẫn còn những cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không theo quy chuẩn, hoặc sản xuất, chế biến trái phép, nhiều sản phẩm không bảo đảm vệ sinh vẫn lưu thông; Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh chỉ vì mục tiêu lợi nhuận mà nhập khẩu thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh như: thực phẩm có nguồn gốc từ gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc thủy sản sống ở nguồn nước bị nhiễm bẩn; Các loại rau, quả được bón quá nhiều phân hóa học, thu hoạch sản phẩm chưa đủ thời gian cách ly sau phun thuốc, sử dụng thuốc trừ sâu quá liều lượng, thuốc không được phép sử dụng; Cây trồng ở vùng đất bị ô nhiễm hoặc tưới phân tươi hay nước thải bẩn; Sử dụng các chất kích thích tăng trưởng, thuốc kháng sinh tràn lan vẫn được bày bán tại các chợ; Các cửa hàng ăn, quán rượu, hàng bán bên vỉa hè không đáp ứng đủ điều kiện về an toàn thực phẩm.

Theo số liệu của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2013 đã xảy ra 09 vụ ngộ độc thực phẩm với 83 người bị ngộ độc. trong đó: Huyện Yên Bình 02 vụ ( uống rượu ngâm củ gấu tàu, canh nấm);  huyện Văn Yên 01 vụ (ăn nấm độc); huyện Lục Yên 01 vụ (ăn canh hoa hiên); huyện Trạm Tấu  01 vụ ( ăn thịt chó); thành phố Yên Bái 01 vụ (ăn quả dưa lê), huyện Văn Chấn 03 vụ ( ăn lá ngón, ăn dưa hấu). Đặc biệt ngày 24/6 tại xã Sùng Đô huyện Văn chấn đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại đám cưới làm 48 người bị ngộ độc. Dù chưa có vụ ngộ độc thực phẩm nào gây nguy hiểm đến tính mạng con người nhưng đây là tiếng chuông cảnh báo nếu hàng ngày người tiêu dùng vẫn phải sử dụng những loại thực phẩm không an toàn. Tuy nhiên qua đặc thù của một số cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thì nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm thực phẩm vẫn rất cao, tập trung chủ yếu tại các cơ sở nấu rượu thủ công, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các cơ sở thức ăn đường phố, các tiệc cưới, hỏi, ma chay tại địa phương. Giám sát tình hình ngộ độc thực phẩm do thực phẩm có chứa sẵn chất độc (nấm độc, sắn, măng …) lò giết mổ gia súc, gia cầm, các cơ sở sản xuất  kem, bia rượu và nước giải khát, các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, dịch vụ ăn uống tại các nhà hàng khách sạn, đặc biệt là các sản phẩm bày bán tại các chợ, chợ nông thôn. Do vậy công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng phải được coi trọng hơn, tiến tới xã hội hóa cao hơn. Trách nhiệm không chỉ thuộc về các cấp chính quyền, các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể mà còn có cả ý thức của cộng đồng xã hội.

Để hạn chế tới mức thấp nhất những vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, trước hết phải đẩy mạnh công tác giáo dục tuyên truyền qua đài phát thanh, truyền hình, báo chí, các buổi sinh hoạt cộng đồng tại các địa phương để phổ biến chính sách pháp luật, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nâng cao công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực.  Bên cạnh đó hàng hóa, sản phẩm lưu thông qua chợ chủ yếu là của nông dân nuôi trồng nên cần được đẩy mạnh công tác giáo dục tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật tới các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến , kinh doanh, hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, Ban quản lý chợ để họ hiểu và quản lý tốt hơn, đồng thời thường xuyên tuyên truyền đến các tiểu thương trong chợ của mình hiểu rõ vì sao nhà nước phải ban hành Luật An toàn thực phẩm, nội dung cơ bản của Luật An toàn thực phẩm là gì, quản lý an toàn thực phẩm dựa trên nguyên tắc nào? Nắm vững những điều cơ bản trong Luật An toàn thực phẩm có liên quan đến các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm, những hành vi bị cấm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh và các mức xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm... sẽ hạn chế đến mức thấp nhất nguồn thực phẩm không đảm bảo chất lượng vệ sinh bày bán trên thị trường góp phần vào sự nghiệp bảo vệ sức khỏe chung cho nhân dân. Để đảm bảo sức khỏe cho chính mình và cộng đồng, mỗi người tiêu dùng hãy có sự lựa chọn thông thái nhất cho thực phẩm mà mình muốn mua. Cần đề cao cảnh giác với các mặt hàng giảm giá đột ngột, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tham gia phát hiện đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm./.

Nguồn: Phòng KTATMT