Bạn đang ở đây

Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản: Nhiều bất cập

06/03/2015 14:28:27

Việc áp dụng công cụ phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác thời gian qua đã phát huy tác dụng trong việc hạn chế khai thác khoáng sản một cách tràn lan, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tạo được nguồn kinh phí đáng kể cho các địa phương để đầu tư trở lại cho việc khắc phục hậu quả môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra.

Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Thạch- Trưởng Phòng phí và lệ phí, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính)- cho biết: Theo ý kiến của một số doanh nghiệp (DN), mức thu phí đối với một số khoáng sản còn chưa tương xứng với mức độ gây ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra, chưa có sự phân biệt theo công nghệ khai thác, do đó chưa khuyến khích áp dụng công nghệ mới trong khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, mức thu cũng chưa tính đến đặc thù của từng loại khoáng sản khai thác, chưa có sự phân biệt theo hàm lượng khoáng sản, do đó không khuyến khích các mỏ tận thu khai thác.

Theo đại diện Bộ Tài chính, dự kiến trong khoảng tháng 3- 4/2015 sẽ đưa ra dự thảo sửa đổi Nghị định 74/2011/NĐ-CP, để đến tháng 5- 6/2015 có thể xin ý kiến rộng rãi về những nội dung sửa đổi.

Từ thực tế đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang cùng Bộ Tài chính lấy ý kiến của DN về việc sửa đổi Nghị định 74/2011/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Theo đó, quy định mức thu phí, đơn vị tính thu phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản, vừa bảo đảm phù hợp với nguyên tắc Luật Bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm nhiều thì phải nộp phí nhiều và ngược lại; đồng thời, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc của Pháp lệnh Phí và lệ phí là mức thu phí phải tính đến khả năng đóng góp của người nộp, có tính đến những chính sách của nhà nước trong từng thời kỳ.

Trong quá trình lấy ý kiến, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra gây bàn cãi giữa DN và các cơ quan quản lý. Đó là, khoáng sản nằm trong lòng đất, không gây ô nhiễm, khi khai thác mới gây ô nhiễm. Như vậy, mức độ ô nhiễm sẽ không phải do khoáng sản gây ra mà do quá trình khai thác. Do đó, công nghệ khai thác sẽ quyết định mức độ gây ô nhiễm nhiều hay ít. Công nghệ khai thác hiện đại sẽ gây ít ô nhiễm hơn so với công nghệ lạc hậu. Tuy nhiên, vấn đề là lấy tiêu chí nào để xác định mức độ gây ô nhiễm, nếu lấy công nghệ để đo mức độ gây ô nhiễm thì phải đo như thế nào để xác định đây là công nghệ tiên tiến, còn kia là công nghệ lạc hậu?…

Theo Báo Công Thương