Bạn đang ở đây

Phát triển thương mại điện tử: Để kết quả không còn khiêm tốn

12/08/2013 09:50:56

Tuy nhiên, việc ứng dụng, triển khai hoạt động này ở Việt Nam mới đạt kết quả khiêm tốn. Vấn đề đặt ra là làm sao đẩy nhanh quá trình ứng dụng TMĐT, tiến tới triển khai đại trà đối với doanh nghiệp (DN)…

Chưa chứng tỏ được thế mạnh 

DN Việt đã làm quen với TMĐT từ hơn 10 năm trước và tỷ lệ đơn vị ứng dụng tăng dần. Trong đó, các DN hoạt động ở khu vực đô thị, nhất là tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là những đơn vị đi đầu nhờ biết phát huy khả năng về công nghệ thông tin, kiến thức pháp luật, ngoại ngữ cũng như tận dụng hệ thống hạ tầng thông tin phát triển hơn so với địa phương khác. Theo Sở Công thương Hà Nội, Hà Nội đạt chỉ số chung về TMĐT là 64/100 điểm, có mức độ sẵn sàng ứng dụng TMĐT và đứng thứ hai sau TP Hồ Chí Minh. Tiếp đó là một số thành phố khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang… Có thể nói, người tiêu dùng (NTD) đã bước đầu làm quen, có cơ hội tham gia mua sắm qua mạng khi họ truy cập, tìm hiểu thông tin về sản phẩm cùng những dịch vụ kèm theo. Giao dịch phần lớn tập trung vào mua sắm đồ gia dụng, quần áo, đồ dùng, chăm sóc sắc đẹp và dược phẩm. Một số khách hàng lớn tuổi nhưng có thu nhập khá và một bộ phận giới trẻ tỏ ra thích thú với loại hình TMĐT bởi sự tiện lợi, có thể mua hàng bất cứ lúc nào, ở đâu và nhận hàng tại địa chỉ theo yêu cầu. Đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam nhận định, việc đẩy mạnh ứng dụng TMĐT là hướng đi phù hợp, sẽ gia tăng mạnh trong cộng đồng DN thời gian tới.

Tuy nhiên, thực tiễn những năm qua chưa chứng tỏ được thế mạnh và sự tiện dụng của TMĐT. Tính đến năm 2012, kết quả giao dịch thương mại thông qua TMĐT mới chiếm không quá 0,5% của tổng doanh số bán lẻ của cả nước, chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường có gần 90 triệu NTD, trong đó có hơn 31 triệu người thường xuyên sử dụng internet. Nói cách khác, mặc dù có một số ưu thế nhưng TMĐT vẫn chưa trở thành hoạt động phổ biến, lại càng bé nhỏ nếu so với các loại hình giao dịch thương mại truyền thống. 

Tạo hành lang pháp lý để phát triển 

Nguyên nhân của thực trạng trên có nhiều, gồm cả khách quan và chủ quan. Hầu hết NTD Việt Nam chưa từng tham gia, thực hiện việc mua hàng thông qua TMĐT nên chưa thể hình thành thói quen này. Một bộ phận khách hàng còn e ngại, thiếu tin tưởng về chất lượng hàng hóa khi mua hàng qua mạng. Hoạt động quảng bá, giới thiệu đặc điểm, tiện ích của TMĐT chưa đủ độ để đánh thức và khơi gợi niềm tin từ phía khách hàng, chủ yếu vẫn là do DN "tự biên, tự diễn". Công tác tuyên truyền, phổ biến quy định, hướng dẫn của cơ quan quản lý về cách thức thực hiện mua bán, nhất là trách nhiệm của bên bán hàng còn hạn chế, thiếu thời lượng hoặc nội dung phù hợp. Bản thân DN chưa quan tâm, tìm hiểu kỹ để đáp ứng yêu cầu, từ đó chưa có chiến lược bài bản trong triển khai các công đoạn liên quan đến ứng dụng TMĐT. Phần lớn DN chưa thành lập bộ phận TMĐT riêng, thiếu đầu tư thỏa đáng về trang thiết bị, công nghệ, nguồn nhân lực chuyên phụ trách về kỹ thuật và tiếp thị.

Từ góc độ bảo vệ quyền lợi khách hàng, cơ quan quản lý cũng đang đúc rút kinh nghiệm, bổ sung biện pháp quản lý, xác định những hiện tượng hành vi vi phạm của một số trang web bán hàng không tuân thủ pháp luật hoặc không làm tròn nghĩa vụ với khách hàng. Những thực tế đó đang ảnh hưởng đến uy tín của DN chân chính đồng thời gây hiệu ứng tiêu cực của xã hội đối với hoạt động TMĐT. 

Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định cụ thể về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT nhằm thiết lập một hành lang pháp lý minh bạch, lành mạnh cho giao dịch TMĐT, góp phần xây dựng một tập quán thương mại hiện đại, phù hợp thông lệ quốc tế. Bộ Công thương đã và đang hỗ trợ DN khi tham gia TMĐT. Theo đó, các đơn vị phải làm thủ tục đăng ký trực tuyến về website bán hàng tại Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT do Bộ Công thương chủ trì. Cổng sẽ công bố danh sách những website đã thực hiện đầy đủ thủ tục, đăng ký và hoạt động theo yêu cầu và sẵn sàng công bố website nào vi phạm pháp luật. 

Quán triệt nội dung nghị quyết của Chính phủ, nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức tập huấn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý; tuyên truyền và hỗ trợ DN trong quá trình triển khai TMĐT. Hà Nội đã phê duyệt Đề án "Tăng cường pháp chế trong quản lý hoạt động TMĐT trên địa bàn TP Hà Nội". Tất cả nhằm từng bước đưa hoạt động TMĐT đi vào cuộc sống như mong muốn, đáp ứng nhu cầu của hai lực lượng cung - cầu trên thị trường trong thời đại kỹ thuật số.

Theo hanoimoi.vn