Bạn đang ở đây

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu sản xuất công nghiệp năm 2012

26/10/2012 09:08:23

Phân tích theo ngành nghề thì công nghiệp khai thác ước đạt 160 tỷ đồng; công nghiệp chế biến ước đạt 2300 tỷ đồng; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước ước đạt 200 tỷ đồng. Trong đó một số sản phẩm đạt khá là điện thương phẩm 400.777 kwh, giấy đế 14738 tấn, chè khô các loại  23143 tấn…

Tuy nhiên một số sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn lại giảm, đó là xi măng và clanh ke ước đạt 571.000 tấn đạt 47,55% kế hoạch; quặng sắt ước đạt 131.736 tấn đạt 45% kế hoạch; cao lanh tinh lọc 44.795 tấn đạt trên 40% kế hoạch; Felpas bột 99. 248 tấn ước đạt trên 50% kế hoạch...

Nguyên nhân hoạt động của các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất công nghiệp không hiệu quả do khủng hoảng kinh tế, lạm phát đã đẩy chi phí sản xuất, lưu thông tăng cao, hầu hết các loại nguyên liệu chính đầu tăng, nhất là nhiên liệu, năng lượng như: điện, xăng dầu, than, chi phí nhân công và chi phí vận chuyển... trong khi giá bán đầu ra không tăng tương xứng, thị trường bị thu hẹp dẫn đến càng đầu tư càng lỗ.

Vì vậy có 4 dự án lớn được kỳ vọng sẽ mang lại sản lượng cao đều triển khai rất chậm đó là: dự án thép, ván nhân tạo, dự án chế biến giấy và chế biến cồn. Bên cạnh đó các chính sách và giải pháp của Nhà nước về kiềm chế lạm phát đã phát huy tác dụng tích cực, song mặt trái đã ảnh hưởng mạnh đến sản xuất do lãi suất huy động và cho vay  thời gian trước đều tăng cao, các ngân hàng hạn chế cho vay, tăng cường thu nợ đã làm nhiều doanh nghiệp không vay được vốn đầu tư dài hạn và ngắn hạn, dẫn tới khó duy trì sản xuất ổn định, kéo dài tiến độ đầu tư các dự án, nhất là với hầu hết các doanh nghiệp hoạt động phụ thuộc vào vốn vay như hiện nay.

Mặc dù hiện nay lãi suất đã giảm nhưng doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay và hấp thu vốn. Các dự án đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, chăn nuôi, trồng trọt chưa tạo ra  sản phẩm hàng hóa; sản phẩm chủ yếu của tỉnh miền núi là lâm sản rừng và khai thác khoáng sản trong lòng đất, song việc thăm dò, quy hoạch, cấp phép, tổ chức khai thác chưa có kế hoạch lâu dài; chính sách không ổn định, khi đã đầu tư bắt đầu có sản phẩm thì dừng xuất khẩu; các sản phẩm như: đá cảnh, đá gốc tại Lục Yên, Văn Chấn chưa thống nhất trong biện pháp quản lý…

Để đạt mục tiêu kế hoạch quí IV trên 1.200 tỷ đồng, đưa giá trị sản xuất công nghiệp cả năm đạt 3.800 tỷ đồng; đưa chỉ số công nghiệp năm 2012 dự kiến là 18,16% so với năm 2011; kim ngạch xuất khẩu quý IV đạt 9 triệu USD… cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, ngành Công thương Yên Bái đưa ra các giải pháp chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thị, thành phố nắm bắt tình hình sản xuất công nghiệp thương mại trên địa bàn để có những đề xuất, chính sách tháo gỡ cụ thể như: hỗ trợ thị trường, tổ chức hiệu quả các hoạt động khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp, xúc tiến thương mại; tăng cường công tác quản lý nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến nông, lâm sản, ngăn chặn tình trạng tranh mua nguyên liệu trên địa bàn; xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hóa; quản lý thị trường, xử lý kịp thời gian lận thương mại…

Tín hiệu đáng mừng là Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường đã và đang phát huy tác dụng. Các doanh nghiệp đã được ưu đãi gia hạn nộp thuế, được vay vốn phát triển sản xuất; các thủ tục liên quan doanh nghiệp đã được giải quyết nhanh gọn, giảm phiền hà.

Hơn thế thời điểm cuối năm khi thị trường xây dựng có dấu hiệu phục hồi là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Lĩnh vực khai thác chế biến khoáng sản có tín hiệu vui khi Chính phủ cho phép một số doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu quặng sắt và đá Block.

Đặc biệt, việc tỉnh quyết định tổ chức 3 đoàn công tác gồm các ngành: Kế hoạch, Công thương, Thống kê, Thuế nắm tình hình doanh nghiệp, tạo điều kiện và tìm biện pháp tháo gỡ cho  sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp là cơ sở để chúng ta đạt mục tiêu đã đề ra.

 

Theo YBĐT