05/09/2011 10:31:39
Ông nói:
- Căn cứ trên số liệu chốt đến ngày 15/7, chúng tôi đang tính toán chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 7. Theo những nhận định ban đầu, chúng ta đang ở trong xu hướng giảm tốc độ tăng CPI khá mạnh mẽ.
Tôi chưa dám đưa ra con số cụ thể, nhưng chúng ta có thể hy vọng chỉ số giá tháng 7 sẽ thấp hơn nhiều con số 2,14% của tháng 6. CPI tháng này chắc chắn sẽ dưới 2%.
Theo số liệu này, tình hình giá cả đang diễn biến rất khả quan. Nhưng việc giá xăng tăng thêm 4.500 đồng/lít vào sáng hôm nay khiến tôi hơi ngỡ ngàng.
Theo ông, việc tăng giá xăng tác động thế nào đến CPI những tháng tới?
Tăng giá xăng đến trên 30% chắc chắn sẽ tác động mạnh đến chỉ số CPI những tháng tiếp theo.
Chịu tác động trực tiếp sẽ là dịch vụ vận tải và nguyên liệu, chất đốt. Chi phí vận tải tăng sẽ gián tiếp kéo theo sự tăng giá của nhóm lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng… Tiếp đó, tăng giá các mặt hàng thiết yếu sẽ lan tỏa đến các nhóm hàng hóa khác.
Tác động này sẽ ảnh hưởng đến giá nhiều mặt hàng và diễn ra trong một thời gian dài.
Nhưng ảnh hưởng lớn nhất, theo tôi, là đến chủ trương kìm chế lạm phát của Chính phủ. Chúng ta đang đi đúng hướng và Chính phủ đã điều hành hiệu quả các công cụ lãi suất, tiền tệ… để kiềm chế lạm phát, nay sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng tác động từ việc tăng giá xăng có thể khiến CPI tháng 8 tăng thêm từ 0,5% đến 0,7%. Ông bình luận gì về con số này?
Không biết Bộ Tài chính đưa ra con số dựa trên cơ sở nào. Theo tôi, những tác động trực tiếp, gián tiếp và lan tỏa từ việc tăng giá xăng là khó tính hết được. Phải chờ đến tháng 8 mới có thể đánh giá được tác động của đợt tăng giá xăng lần này.
Tuy nhiên có thể khẳng định tác động từ đợt tăng giá xăng lần này là rất lớn. Nó làm mất đi xu hướng giảm tốc độ tăng CPI đang hình thành. Việc tăng giá với biên độ lớn cũng ảnh hưởng mạnh đến nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực kinh tế và doanh nghiệp.
Ông từng cho rằng chúng ta có thể khống chế CPI tăng ở mức 24% đến 25% vào cuối năm nay. Tăng giá xăng có làm thay đổi suy nghĩ này của ông?
Mức tăng đó đúng trong trường hợp CPI những tháng còn lại của năm vào khoảng từ 1% đến 1,2%. Cho đến tháng 7, dấu hiệu cho thấy tình hình vẫn tốt và chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng sẽ đạt được kết quả như trên.
Tuy nhiên, việc tăng giá xăng sẽ khiến mục tiêu này khó đạt được hơn trước rất nhiều. Để kiềm chế lạm phát, việc tăng giá những mặt hàng nhạy cảm như xăng dầu rõ ràng là không nên.
Nhưng theo tính toán thì nếu không tăng giá, ngân sách sẽ không thể bù đắp được…
Chính phủ cần phải có giải pháp để cố gắng không tăng giá các mặt hàng thiết yếu, kiểm soát chặt giá cả, thị trường. Với con số công bố là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ lỗ khoảng 60 ngàn tỷ đồng nếu không tăng giá xăng dấu đến cuối năm, chúng ta cũng cần xem xét xem các chi phí đã hợp lý chưa.
Doanh nghiệp cũng cần tính toán lại để giảm lỗ và có trách nhiệm cùng Chính phủ gánh vác trong lúc khó khăn này, chứ không chỉ đổ hết lên vai Chính phủ.