OECD cho rằng hoạt động kinh tế của Mỹ yếu kém và vốn đầu tư của các chính phủ và doanh nghiệp giảm sút mạnh là một phần nguyên nhân kéo kinh tế toàn cầu đi xuống.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trong giai đoạn 2015-2016, nhưng theo OECD con số này chỉ ở mức khiêm tốn so với thời kỳ trước khủng hoảng và nền kinh tế thế giới sẽ chỉ từ cuối năm 2016 mới tăng tốc lên mức trung bình thời kỳ trước khủng hoảng.
Tiến trình phục hồi sẽ tiếp tục diễn ra song vẫn còn hạn chế do tỷ lệ thất nghiệp cao, năng suất và mức lương nhìn chung thấp và không đồng đều.
Không chỉ điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, OECD - cơ quan phân tích chính sách quy tụ 34 nền kinh tế phát triển, hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ từ 3,1% trong năm nay xuống còn 2% và từ 3% năm 2016 xuống còn 2,8%.
OECD nhận định đồng USD mạnh lên và mùa Đông khắc nghiệt ở Bắc Mỹ là yếu tố làm chững lại tốc độ tăng trưởng của Mỹ trong quý 1 năm nay. Ngoài Mỹ, OECD cũng hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống còn lần lượt là 6,8% trong năm 2015 và 6,7% trong năm 2016.
OECD cho rằng phục hồi kinh tế từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra năm 2008 đã chững lại một cách bất thường, nguyên nhân một phần là do tác động từ thị trường việc làm, sự trì trệ trong tăng trưởng tại các nền kinh tế mới nổi cũng như tình trạng bất bình đẳng ở nhiều nơi.
Mặc dù vậy, OECD khẳng định tăng trưởng kinh tế sẽ diễn ra ở hầu hết các khu vực trên thế giới trong những năm tới. Riêng khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), OECD giữ nguyên dự báo tăng trưởng 2,1% trong năm nay và 2% trong năm 2016 nhờ giá dầu và tỷ giá đồng euro thấp./.
Theo TTXVN