Bạn đang ở đây

Nông sản Việt tìm thị trường ở châu Phi

03/07/2014 11:10:57

Tiềm năng chờ điều kiện

Chia sẻ tại "Diễn đàn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các ngân hàng (NH) châu Phi và các nước ASEAN khối Pháp ngữ" vừa diễn ra tại TP.HCM, nhiều chuyên gia đánh giá, tiềm năng trao đổi thương mại, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các nước châu Phi là rất lớn.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, năm 2013, trao đổi thương mại giữa Việt Nam - châu Phi đạt 4,29 tỷ USD, tăng hơn 22%. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang châu Phi gồm: hạt tiêu (58 triệu USD), cà phê (67 triệu USD), gạo, thủy sản, sản phẩm dệt may, máy vi tính, điện thoại và linh kiện các loại.

Và nhập khẩu từ thị trường này chủ yếu là các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như: hạt điều thô, bông, sợi, dầu thô, gỗ. Báo cáo từ Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), cũng cho rằng, hiện nay, cùng với chè, cà phê Việt Nam đã trở thành đồ uống ngày càng được ưa chuộng của người dân Bắc Phi. Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu cà phê tăng mạnh, nhất là khi các nước trong khu vực không trồng được loại cây này.

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu cà phê sang một số nước châu Phi đã tăng mạnh, như kim ngạch xuất khẩu cà phê sang Algeria đạt 46,1 triệu USD, tăng 100%, sang Nam Phi đạt 13,1 triệu USD, tăng 245%, sang Ai Cập 3,86 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2013.

Hạt tiêu cũng được xem là mặt hàng có sự tăng trưởng khá khi xuất khẩu vào thị trường này. Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu sang 17 nước châu Phi, trong đó các thị trường lớn nhất là Ai Cập (25,8 triệu USD), Nam Phi (12,4 triệu USD), Algeria (8,6 triệu USD), Tunisia (5,3 triệu USD), Gambia (1,4 triệu USD), Morocco (1,3 triệu USD). Năm tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu cũng có sự tăng trưởng khá, trong đó, xuất khẩu sang Ai Cập đạt 23,57 triệu USD (tăng 28%), Nam Phi 5,2 triệu USD (tăng 6%).

Song, phần lớn cà phê Việt Nam nhập khẩu vào Bắc Phi đều dưới dạng cà phê thô và phải qua trung gian là các thương nhân nước ngoài. Ông Nguyễn Văn Chiểu, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết, từ năm 1998, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã sang châu Phi nhập khẩu hạt điều nguyên liệu.

Đến nay, lượng nhập khẩu ngày càng lớn nhưng hầu hết đều phải giao dịch qua các DN trung gian ở Singapore, Ấn Độ. Nguyên nhân của vấn đề trên, xuất phát từ sự lo ngại về rủi ro thanh toán do ở các nước châu Phi chưa có đại diện NH Việt Nam.

Đại diện NH TMCP An Bình (ABBank), đánh giá TS5 , thị trường châu Phi rất tiềm năng nhưng chưa thật sự nhận được nhiều quan tâm, trong đó, vai trò của các NH thương mại Việt Nam ở đây hầu như không có.

Theo đại diện ABBank, cuối năm 2013, sau chuyến tìm hiểu thị trường châu Phi, ABBank đã thiết lập NH đại lý, tuy nhiên không phải qua NH bản địa tại thị trường này mà là hợp tác với một NH quốc tế có chi nhánh tại đây. Do đó, để đẩy mạnh sự giao thương giữa Việt Nam - châu Phi, điều cần lưu ý hiện nay là Việt Nam có giải pháp cụ thể nhằm kết nối DN Việt với thị trường châu Phi qua hệ thống các NH thương mại.

"Hàng đổi hàng": giải pháp thức thời?

Hiện này, gạo, điều, gỗ, bông, xơ các loại... đang là những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang Trung Quốc. Do đó, khi nhắm đến việc khai khá thị trường châu Phi, các DN Việt Nam bắt buộc phải có những điều kiện cơ bản trong việc mở kho ngoại quan, mở văn phòng đại diện, chi nhánh, lập công ty tại thị trường này để có thể mua - bán hàng hóa trực tiếp với các đối tác.

Trong khi Bộ Công Thương đang có những chương trình phối hợp với các Thương vụ Đại sứ quán tại châu Phi thẩm tra đối tác, giới thiệu các cơ hội kinh doanh, đầu tư, khách hàng uy tín cho DN trong nước... thì phía Vinacas, cho biết, họ kỳ vọng với giải pháp "hàng đổi hàng" mà hai phía Việt Nam - châu Phi cần giao dịch.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Chiểu, Vinacas đang triển khai đề án xuất khẩu gạo và nhập khẩu điều thô tương ứng giá trị với Bờ Biển Ngà vào đầu năm 2015. Theo đó, sẽ có khoảng 200.000 tấn gạo được xuất khẩu thí điểm theo mô hình "gạo đổi điều". Trở ngại trong thanh toán giữa 2 thị trường sẽ được giải quyết bằng mô hình này. Nếu thành công, không chỉ gạo mà một số mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam cũng có thể đổi lấy bông, sợi, gỗ của châu Phi.

Thế nhưng, theo ông Chiểu, Vinacas sẽ không thể tự triển khai một mình được mà cần có sự đồng hành từ phía Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bởi vì, còn rất nhiều vấn đề liên quan đến hạn ngạch xuất khẩu gạo, giá sàn... mà phía Hội không thể giải tự giải quyết.

Theo nhiều ý kiến, để mô hình "hàng đổi hàng" thành công, thì không chỉ có sự tham gia của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà còn cần có sự tham gia của Chính phủ Việt Nam và chính phủ của các nước châu Phi. Ngoài ra, cũng cần sự vào cuộc của các NH thương mại.

Theo Vinanet