Bạn đang ở đây

Nông sản, thực phẩm có chứng nhận nguồn gốc mới chiếm khoảng 20%

05/07/2016 10:28:35

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Chí cho biết: Hiện TP. Hà Nội có 425 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1, 66 chợ hạng 2, 310 chợ hạng 3 và 34 chợ chưa được phân hạng. Ngoài ra, còn có 24 trung tâm thương mại, 134 siêu thị và hàng nghìn cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm chủ yếu tập trung tại các quận nội thành. Trong đó các sản phẩm an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ chủ yếu được tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn, cung cấp qua các bếp ăn tập thể, bán hàng online cung cấp trực tiếp cho khách hàng…

Tuy nhiên theo khảo sát hiện nay, một lượng lớn các sản phẩm nông sản của thủ đô được các thương lái thu mua, tập kết tại các chợ đầu mối và sau đó đi tiêu thụ tại các chợ dân sinh, cửa hàng, bếp ăn tập thể. Lượng sản phẩm nông sản thực phẩm có chứng nhận và nguồn gốc mới chỉ chiếm khoảng 20%. Các chợ đầu mối đang đóng vai trò là khâu điều phối các sản phẩm đến các thị trường tiêu thụ.

Chính vì vậy, hội thảo là cơ hội cho các DN phân phối tiếp cận gần hơn với các hộ sản xuất nông sản an toàn. Qua đó tăng cường sự hợp tác, hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn khép kín trên địa bàn thành phố.

Tại hội thảo, các DN và các hợp tác xã đã cùng nhau bàn bạc, trao đổi những khó khăn vướng mắc trong việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn thủ đô. Theo đó, bên cạnh những mặt đã đạt được như: Đã tạo ra sản phẩm chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng phần nào nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng; Công tác xây dựng nhãn hiệu được chú trọng,… thì vẫn còn nhiều tồn tại như: Việc liên kết giữa các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn với nhau còn hạn chế, chủ yếu theo hình thức mạnh ai người đó làm, nên khó khăn trong quá trình kết nối với DN phân phối và sản phẩm tạo ra tính cạnh tranh thấp; Một số cơ sở sản xuất và DN phân phối vẫn chạy theo những lợi ích trước mắt và bỏ quên vấn đề an toàn cho người sử dụng.

Các đơn vị, DN ký kết hợp đồng hợp tác

Kết thúc hội thảo, đã có 22 hợp đồng hợp tác được ký kết giữa các đơn vị, nhà sản xuất với DN phân phối nông sản thực phẩm an toàn. Trong đó có 11 biên bản ký kết liên quan đến rau, củ quả, chăn nuôi và 11 biên bản liên quan đến chế biến.

Ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch của Hà Nội rất lớn nên sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi đưa nông sản an toàn về thành phố tiêu thụ. Sắp tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tổ chức các tuần lễ nông sản an toàn của các vùng miền để giới thiệu tới người tiêu dùng thủ đô. Bên cạnh đó, tập trung vào việc minh bạch hóa thông tin sản phẩm, gắn mã code lên sản phẩm an toàn rõ xuất xứ nguồn gốc, từ đó, người tiêu dùng có thể hoàn toàn biết được sản phẩm này là ở đâu, sản xuất theo quy trình nào và hệ thống phân phối ở đâu. Đồng thời, phối hợp với 21 tỉnh thành phía Bắc làm tốt việc kết nối đưa rau - thịt an toàn về với người tiêu dùng Hà Nội.