Bạn đang ở đây

Nỗi niềm người trồng sắn

19/03/2015 07:43:58

Những ngày này của năm trước, trên khắp nương đồi, soi bãi ở hàng chục xã trọng điểm trồng sắn của huyện Văn Yên, nông dân đã tất bật phát dọn thực bì, chọn những cây thân sắn đẹp để làm giống cho trồng vụ mới. Nhưng vào thời điểm trung tuần tháng ba này các xã từ trung tâm vùng sắn như Mậu Đông, An Bình đến các xã vùng sâu, vùng cao như Châu Quế Thượng, Lang Thíp nương đồi im lìm, cỏ cây ngổn ngang như khi vừa thu hoạch xong, thậm chí một số diện tích còn chưa thu hoạch, trong khi đó một số xưởng chế biến sắn còn thông báo đóng cửa vào cuối tháng 3.

Còn nhớ cách đây 2 năm trước, trong chuyến công tác về xã Lâm Giang, nghe chuyện trồng sắn, người dân cho biết - một số hộ ít đất sản xuất đã khai thác non cả héc-ta bồ đề để lấy đất trồng sắn. Tôi thấy cũng có lý, vì nhẩm tính bồ đề mới 3 - 4 năm tuổi, nếu để đủ tuổi khai thác thì ít nhất cũng phải mất thêm 4 năm nữa. Với giá bán bình quân ở địa phương thì 1ha bồ đề đến khi đủ tuổi khai thác cũng chỉ bán được 25 đến 30 triệu đồng nhưng nếu chuyển sang trồng sắn thì với giá bán tại thời điểm đó mỗi vụ đã thu được trên 20 triệu đồng, trừ chi phí phân bón, thuốc trừ cỏ, sâu bệnh vẫn còn có lãi trên 15 triệu đồng. Như vậy, trong 4 năm thì cùng diện tích đất đó trồng sắn sinh lời gấp đôi so với trồng bồ đề. Tuy nhiên, với giá sắn đi xuống như mùa vụ năm nay thì chỉ được những diện tích thuận tiện đường giao thông, còn ở xa đường thì trừ chi phí phân bón, thuê nhân công là lỗ vốn.

Anh Đào Văn Sơn ở thôn 2, xã Châu Quế Thượng - một nông dân nhiều năm gắn bó với cây sắn cho biết: "Năm ngoái, năm kia tôi thu hơn trăm triệu đồng một vụ sắn, trừ chi phí phân do, thuê nhân lực đào, bốc vác xong vẫn còn được trên 60 triệu đồng. Nhưng năm nay, từ đầu vụ đến cuối vụ, giá sắn chỉ lên xuống ở mức 1.100 đến 1.200 đồng/kg. Trong khi đó, giá cả phân bón, thuê nhân lực đều tăng hơn năm trước. Vì vậy, cũng nhờ gia đình đã mở được đường cho ô tô chạy đến tận nương nên khi thu hoạch xong, trừ hết chi phí mới được gần ba chục triệu đồng để sắm tết. Tôi đang tính năm nay sẽ trồng quế xen vào, cuối năm nếu giá sắn vẫn thấp như vậy thì năm tới bỏ không trồng sắn nữa". Đó là những hộ có điều kiện về đất đai rộng rãi, mỗi vụ thu từ 70 đến 80 tấn sắn củ trở lên. Còn những hộ đất đai hạn hẹp, thu được có 10 - 15 tấn mỗi vụ thì họ chỉ trông chờ vào giá cả.

Bà Lý Thị Mầu ở thôn 3, xã Mậu Đông tâm sự: "Gia đình tôi ngoài cấy 2 sào ruộng thì còn có gần 1ha đồi trồng sắn. Năm ngoái, năm kia giá sắn cao, còn thu được hơn chục triệu đồng mỗi vụ, trừ chi phí vẫn còn sáu, bẩy triệu để lo tết cho bọn trẻ. Năm nay, giá sắn xuống quá thấp so với giá vật tư phân bón, nếu nhổ bán thì chỉ hòa vốn nên đến tết vẫn chưa bán được, không mua nổi cho các cháu mỗi người bộ quần áo tết. Trong thôn này còn có mấy hộ không có ruộng, chỉ trông chờ vào ít diện tích sắn nên cũng khó khăn". Thôn 8, xã Châu Quế Thượng, 100% nhân dân sống bằng kinh tế nông nghiệp, trong đó chủ yếu là làm ruộng và trồng sắn.

Anh Tráng A Giàng - Trưởng thôn phân trần: "Năm ngoái thu hoạch sắn xong, cả thôn cũng có 5 - 6 hộ mua được xe máy mới. Nhưng năm nay không những không mua được xe mà có gần chục hộ còn nợ tiền phân bón, thuốc trừ cỏ từ đầu năm lấy chịu về trồng sắn chưa trả xong. Một số hộ cũng đang chán nản không muốn trồng sắn nữa, thôn đang không biết hướng cho nhân dân phát triển cây con gì để thế vào cây sắn, giúp ổn định đời sống nhân dân". Huyện Văn Yên có hàng chục ngàn hộ nông dân nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào cây sắn. Vì vậy, sự tụt giá của cây sắn đã khiến đời sống vật chất và tinh thần của bà con, đặc biệt là việc học tập của không ít con em nông dân trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn.

Từ thực trạng giá sắn lên xuống thất thường mong sao các cấp, các ngành sớm tìm ra giải pháp để liên kết chặt chẽ người nông dân trồng sắn và nhà máy cũng như nhà quản lý với nhau để tạo hướng đi ổn định cho cây sắn, tiếp sức cho hàng vạn người nông dân không ngành nghề yên tâm lao động sản xuất, ổn định đời sống.

Theo YBĐT