Song, để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Cam Pu Chia, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các quy định về nhập khẩu cũng như tập quán tiêu dùng và các yêu cầu khác của thị trường này.
Để giúp các doanh nghiệp của tỉnh Yên Bái tìm hiểu về thị trường Cam Pu Chia, “Bản tin Công thương” cung cấp một số thông tin cơ bản và cần thiết để các doanh nghiệp tham khảo.
1. Các quy định về nhập khẩu
Chứng từ nhập khẩu
Các mặt hàng nhập khẩu và Cam-pu-chia cần phải có những chứng từ sau:
Vận đơn
Hóa đơn thương mại
Phiếu đóng gói (Packing list)
Giấy phép nhập khẩu (áp dụng đối với vũ khí và dược phẩm. Giấy phép nhập khẩu súng đạn do Bộ Nội vụ cấp còn giấy phép dược phẩm do Bộ Y tế cấp).
Đối với hàng vận chuyển quá cảnh Việt Nam đi qua song Mê Kông cần có thêm giấy phép quá cảnh.
Các mặt hàng hạn chế nhập khẩu
Thuốc trừ sâu và phân bón
Các ấn phẩm văn hóa
Các ấn phẩm văn hóa trị giá trên $10,000
Vàng, bạc, đá quý
Động vật sống
Dược phẩm và vật tư y tế
Sản phẩm gỗ
Các mặt hàng cấm nhập khẩu
Vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ, trang thiết bị kỹ thuật quân sự
Ma túy và các chất gây nghiện khác
Đá quý: vàng thô, đá quý chưa chế tác và các kim loại quý ở dạng thô khác phải kê khai với ngân hàng trung ương nếu trị giá từng lô hàng bằng hoặc vượt mười ngàn đô la Mỹ (10.000 USD)
Giầy dép đã qua sử dụng
2. Thuế đối với hàng nhập khẩu
Có ba loại thuế mà bất kỳ nhà nhập khẩu nào cũng phải nộp trước khi hàng hóa nhập khẩu được rời kho hải quan:
Thuế nhập khẩu đánh theo giá hàng thực tế
Thuế tiêu thụ đặc biệt cho các mặt hàng cụ thể
Thuế giá trị gia tăng VAT
Thuế nhập khẩu đánh vào hàng hóa nhập khẩu trước khi giao lại cho người nhập khẩu từ các cơ quan thuế quan; trừ các mặt hàng nhận được sự ưu đãi đặc biệt theo quy định của pháp luật, hoặc được miễn thuế.
Thuế giá trị gia tăng (VAT): được áp dụng từ tháng 1 năm 1999. Thuế suất VAT đối với hàng nhập khẩu là 10% - áp dụng cho tất cả các mặt hàng được miễn thuế.
Quy định về bao gói, nhãn mác
Bộ thương mại Cam-pu-chia yêu cầu hàng hóa (đặc biệt là hàng thực phẩm) phải được dán nhãn hiệu có các nội dung sau: tên sản phẩm, tên nhà sản xuất và địa chỉ, thành phần, khối lượng, lô và ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng (nếu cần thiết), giấy phép sản xuất đối với các sản phẩm sản xuất trong nước.
Quy định về kiểm định động, thực vật
Tất cả động vật sống, thực vật, thực phẩm đều phải có nguồn gốc xuất xứ và yêu cầu:
Đối với động vật sống phải được tiêm vacxin (tùy thuộc vào từng loại động vật phải tiêm những loại vacxin khác nhau) và phải được Bộ Nông Nghiệp – Phòng Sản xuất và Quản lý Động vật kiểm soát các loại vacxin đó.
Đối với thực vật, thực phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ, giấy chứng nhận đủ điều kiện hợp vệ sinh. Bộ Nông nghiệp – Phòng Sản xuất và Quản lý Động vật yêu cầu phải xuất trình giấy chứng nhận an toàn vệ sinh tại biên giới nơi xuất hoặc nhập hàng hóa. Danh sách các loại thực vật nhiễm bệnh, hoặc có nguy cơ sẽ được cách ly để kiểm dịch do Cơ quan kiểm dịch tại Cam-pu-chia tiến hành.
Quyền sở hữu trí tuệ
Chính phủ Cam-pu-chia đã thông qua một loạt các luật và các quy định khung để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Cam-pu-chia.
Nhãn hiệu
Vương quốc Cam-pu-chia là thành viên của công ước Paris về Bảo hộ Sở hữu Công nghiệp và Thỏa ước NICE về Phân loại Quốc tế Hàng hóa và Dịch vụ. Bất kỳ cá nhân hay pháp nhân nào có hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại hàng hóa và dịch vụ hợp pháp đều có quyền đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Cam-pu-chia.
Đơn xin đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Cam-pu-chia chỉ được nộp cho một nhóm sản phẩm hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu. Điều này có nghĩa nếu sản phẩm hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu thuộc bao nhiêu nhóm phân loại quốc tế, thì người nộp đơn phải nộp bấy nhiêu đơn độc lập cho mỗi nhóm sản phẩm hoặc dịch vụ đó. Thời gian đăng ký nhãn hiệu: 4 - 6 tháng.
Loại nhãn hiệu được đăng ký ở Cam-pu-chia
Nhãn hiệu hàng hóa
Nhãn hiệu dịch vụ
Nhãn hiệu tập thể
Sau khi được đăng ký, nhãn hiệu được bảo hộ 10 năm kể từ ngày nộp đơn. Thời hạn hiệu lực của nhãn hiệu được gia hạn nhiều lần liên tục, mỗi lần 10 năm và chủ sở hữu phải nộp lệ phí gia hạn. Đơn xin gia hạn hiệu lực bảo hộ nhãn hiệu có thể được nộp muộn trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày hết hạn hiệu lực, và chủ sở hữu phải nộp lệ phí nộp muộn. Nếu quá thời hạn trên mà đơn xin gia hạn không được nộp thì nhãn hiệu sẽ bị hủy bỏ.
Nhãn hiệu đã đăng ký có thể bị hủy bỏ, trên cơ sở yêu cầu của bên thứ ba, với lý do chủ sở hữu nhãn hiệu không sử dụng, hoặc không cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký của mình trong vòng 5 năm liên tục, tính từ ngày trước ngày nộp đơn yêu cầu hủy bỏ một tháng trở về trước mà không có lý do chính đáng về việc không sử dụng đó.
Để tránh bị hủy bỏ nhãn hiệu đã đăng ký, pháp luật Cam-pu-chia yêu cầu chủ sở hữu nhãn hiệu nộp một Bản Tuyên thệ về việc có sử dụng hay không sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký. Bản Tuyên thệ này phải được nộp trong vòng năm thứ sáu tính từ ngày nhãn hiệu được đăng ký, kèm theo một khoản lệ phí do pháp luật qui định.
Tài liệu cần thiết cho việc nộp Bản Tuyên Thệ sử dụng/không sử dụng nhãn hiệu:
Bản Tuyên thệ có chữ ký của chủ sở hữu nhãn hiệu.
Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.
Mỗi Bản Tuyên thệ chỉ được dùng để ghi nhận việc sử dụng hay không sử dụng của một nhãn hiệu đã đăng ký cho một nhóm sản phẩm hay dịch vụ.
Trong thời gian hiệu lực của nhãn hiệu, chủ sở hữu nhãn hiệu có thể chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu cho người khác. Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu phải được lập bằng văn bản và đăng ký với Bộ Thương mại thì mới có hiệu lực pháp luật.
Quy định về tiêu chuẩn với hàng hóa dịch vụ
Camcontrol là đơn vị trực thuộc Bộ Thương mại Cam-pu-chia có nhiệm vụ quản lý tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Hiện tại đơn vị này chưa tiến hành kiểm tra chất lượng cho các thiết bị công nghiệp. Cam-pu-chia ban hành luật chất lượng sản phẩm tháng 05 năm 2000.
Kỳ sau: Doanh nghiệp phải làm gì để thâm nhập thành công vào thị trường Cam Pu Chia
Nguôn: Phòng TTXTTM