Bạn đang ở đây

Nhu cầu nhập khẩu xi măng của Châu Phi tăng mạnh

02/11/2012 17:23:59

Theo thông tin từ Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), Chính phủ Algeria đã hoàn thành Chương trình phát triển kinh tế xã hội trong 5 năm 2005 - 2009 và đã phê chuẩn Chương trình cho giai đoạn 2010 - 2014 với tổng kinh phí thực hiện chương trình dự kiến 284 tỉ đô la Mỹ, tập trung vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển nền kinh tế quốc dân và để hiện đại hoá, phát triển dịch vụ công cộng. Nhưng khả năng cung ứng của thị trường nội địa còn rất hạn chế, đang thiếu nguồn cung xi măng cho xây dựng.

Dự kiến trong năm 2012, Algeria sẽ cho nhập 1- 1,5 triệu tấn xi măng. Sắp tới, một số công ty, tập đoàn của Algeria sẽ gọi thầu nhập khẩu từng lô.

Ngoài Algeria, một số nước Tây Phi khác cũng có nhu cầu lớn về xi măng. Mali tiêu thụ khoảng 1-1,2 triệu tấn xi măng mỗi năm với chi phí 215 triệu đô la Mỹ. Nigeria tiêu thụ khoảng 300.000 tấn xi măng/năm trong khi Công ty Xi măng quốc gia Niger (SNC) chỉ sản xuất được 80.000 tấn. Nhu cầu xi măng ở các thị trường khu vực Đông và Nam Phi cũng đang liên tục tăng.

 "Ở các quốc gia Tanzania, Zambia và Zimbabwe, lượng xi măng tiêu thụ dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh nhờ số lượng và quy mô các dự án tăng cao trong các lĩnh vực xây dựng nhà ở và cơ sở hạ tầng". Các doanh nghiệp trong ngành xi măng có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường châu phi nên sớm liên hệ với các thương vụ Việt Nam tại các quốc gia châu phi để được hướng dẫn cách thức và thủ tục thâm nhập thị trường này.

Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2012, lượng xi măng tiêu thụ tại thị trường nội địa ước đạt từ 52 - 53 triệu tấn và lượng xuất khẩu vào khoảng 6 triệu tấn. Năm nay, sẽ có thêm 8 nhà máy xi măng mới với tổng công suất 6,9 triệu tấn đi vào hoạt động, nâng công suất của toàn ngành lên 73 triệu tấn.

Trong khi đó, tổng lượng tiêu thụ xi măng trong năm tới của Việt Nam mới chỉ đạt gần 60 triệu tấn, tức chiếm khoảng 86% công suất của toàn ngành. Vì vậy, sản lượng xi măng dư thừa phải được đưa vào xuất khẩu. Châu phi được kỳ vọng sẽ là thị trường nhập khẩu xi măng dài hạn của Việt Nam.

Theo Vinanet