10/09/2011 16:55:04
1. Tổng quan tình hình kinh tế Ai Cập
Từ năm 1991, được sự giúp đỡ của IMF và WB, Ai Cập bắt đầu cải cách kinh tế trên diện rộng. Các chương trình đẩy mạnh tư nhân hóa, thu hút đầu tư nước ngoài, tự do hóa thương mại, xây dựng nền kinh tế hướng về xuất khẩu đã đem lại những kết quả đáng khích lệ. Trong thập kỷ 90, nền kinh tế Ai Cập tăng trưởng với tốc độ bình quân 4,4%/năm, giai đoạn 1996-2000 đạt 5,4%/năm. Ai Cập vẫn giữ trợ cấp đối với một số mặt hàng cơ bản: đậu, gạo, dầu, chè, đường, v.v…
Trong giai đoạn 2005-2008, tốc độ tăng trưởng trung bình của Ai Cập là 6,4%/năm. Bước sang năm 2010, một năm khó khăn đối với các nền kinh tế trên thế giới, kinh tế Ai Cập cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Tăng trưởng GDP năm 2010 đã chậm lại chỉ đạt 5,3%, tương ứng với 216 tỷ USD (khoảng 500 tỷ USD GDP tính theo ngang bằng sức mua). Với mức thu nhập này, Ai Cập được xếp hạng nền kinh tế lớn thứ 26 của thế giới. Tuy nhiên nhiều người dân Ai Cập còn cho rằng Ai Cập sẽ sớm được xếp vào nhóm G20. Trong những ngày cuối tháng 01/2011 vừa qua, cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Ai Cập diễn ra đã dẫn đến thay đổi lớn đối với tình hình chính trị Ai Cập. Đời sống xã hội của Ai Cập cũng đang phải trải qua những biến động bất lợi, các lĩnh vực kinh tế trải qua giai đoạn khó khăn, đặc biệt là ngành du lịch. Mỗi ngày biểu tình trung bình Ai Cập mất 310 triệu USD, hàng triệu lượt khách du lịch đã rời khỏi Ai Cập. Tăng trưởng kinh tế Ai Cập dự kiến sẽ giảm từ 6% xuống còn 4% năm 2011. Tuy nhiên về lâu dài, các chuyên gia dự báo kinh tế Ai Cập sẽ sớm phục hồi, giảm tỷ lệ thất nghiệp, giảm lạm phát, tăng GDP (dự kiến GDP sẽ đạt trên 700 tỷ USD vào năm 2015).
Năm 2010, Ai Cập xuất khẩu 33,36 tỷ USD trong đó các mặt hàng xuất khẩu chính là dầu thô, các sản phầm hoá dầu, dệt may, sợi bông, sản phẩm cơ khí, hóa chất và nhập khẩu là 56,43 tỷ USD với máy móc thiết bị, lương thực, gỗ, hóa chất là các mặt hàng nhập khẩu chính.
Hiện nay, công nghiệp của Ai Cập hiện chiếm khoảng 37,6% GDP, trong đó một số ngành đã có chỗ đứng trên thị trường thế giới như dệt may, thép, hoá dầu, nguyên vật liệu xây dựng và thảm dệt. Chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP của Ai Cập hiện này là ngành dịch vụ (gần 49%) trong đó du lịch và nguồn thu từ kênh đào Suez đóng vai trò quan trọng. Nông nghiệp của Ai Cập chỉ chiếm 13.4% GDP, tuy nghiên, ngành này lại thu hút tới 32% lực lượng lao động của cả nước với các nông phẩm chính là lúa mì, gạo, ngô, bông. Hiện nay, Ai Cập vẫn phải nhập một khối lượng lớn lương thực và các sản phẩm nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu trong nước (3-4 tỉ USD/năm).
2. Quan hệ hợp tác Việt Nam – Ai Cập
2.1. Quan hệ chính trị, ngoại giao
Ai Cập là nước Ả-rập đầu tiên có quan hệ với ta. Năm 1958 ta đã có cơ quan đại diện thương mại tại Ai Cập. Ngày 1/9/1963 ta và Ai Cập chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Cùng năm đó, ta lập Sứ quán tại Cairo. Năm 1964 Ai Cập lập Sứ quán tại Hà Nội. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Các đoàn ta thăm Ai Cập: Bộ trưởng Thủy lợi Nguyễn Cảnh Dinh (5/1993); Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh (5/1994); Bộ trưởng Văn hóa – Thông tin Trần Hoàn (9/1994); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hà Phan (3/1995); Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Công Tạn (5/1997); Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (7/1999); Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự (5/2002); Bộ trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc (2/2004); Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển (3/2006); Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng (11/2008).
Bạn cũng có các đoàn thăm ta: Bộ trưởng Giáo dục (7/1996); Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao (6/1996); Đoàn đại biểu Đảng dân tộc dân chủ Ai Cập (12/1997); Bộ trưởng Thương mại và Cung ứng (1997); Thứ trưởng Bộ Ngoại thương (2001); Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao (2004); Bộ trưởng Bộ Hợp tác Quốc tế (2007).
Các Hiệp định đã được hai bên ký kết: Chương trình hợp tác văn hóa cho các năm 1993-95, Hiệp định thương mại (5/1994), Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ ngoại giao (6/1996), Hiệp định hàng không (4/1999), Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (9/1997), Hợp tác thanh tra (3/1999), Biên bản hợp tác thuỷ sản (2/2004), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (2006), Biên bản hợp tác du lịch (2006), Chương trình hợp tác văn hoá cho các năm 2006-2010 (2006); Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu đặc biệt và hộ chiếu công vụ (2010).
Nhằm tạo ra khuôn khổ hợp tác chung, hai bên đã thành lập Ủy ban liên Chính phủ giữa hai nước. Hai bên đã trải qua 04 kỳ họp luân phiên tại mỗi nước. Kỳ họp lần thứ tư được tổ chức vào tháng 12/2008 tại Cairo và dự kiến kỳ họp lần thứ năm sẽ được tổ chức vào quý 3 năm 2011 tại Hà Nội.
2.2. Quan hệ thương mại Việt Nam – Ai Cập
Nếu như năm 2000, trao đổi thương mại song phương Việt Nam – Ai Cập mới chỉ đạt 21,6 triệu USD thì đến năm 2010, kim ngạch buôn bán giữa hai nước đã đạt 187,08 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 174,85 triệu USD và nhập khẩu 12,23 triệu USD. Các mặt hàng ta xuất khẩu sang bạn nhìn chung vẫn là các mặt hàng truyền thống như hàng hải sản, hạt tiêu, sợi các loại, linh kiện phụ tùng ô tô, cà phê, cao su, cơm dừa sấy, chè, vải, v.v... Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Ai Cập mật củ cải đường, hóa chất, sữa và sản phẩm sữa, sản phẩm sắt thép, tân dược. Hàng hóa của Ai Cập chưa vào Việt Nam nhiều do nhu cầu đối với các sản phẩm thế mạnh của Ai Cập chưa cao và tính cạnh tranh của hàng hóa Ai Cập còn thấp.
Theo số liệu mới nhất của Hải quan Việt Nam, 3 tháng đầu năm 2011 Việt Nam xuất khẩu 30,58 triệu USD sang Ai Cập, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2010. Nguyên nhân chính là do các cuộc biểu tình phản đối chính phủ Ai Cập đã diễn ra căng thẳng và kéo dài khiến các hoạt động thương mại, ngoại thương và sản xuất trong nước bị đình trệ. Tâm lý e ngại rủi ro cũng làm cho nhiều hợp đồng đã ký nhưng chưa được thực hiện trong quý 1/2011. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang Ai Cập trong quý 1/2011 gồm hàng hải sản (6,7 triệu USD), hạt tiêu (5,4 triệu USD), sợi các loại (3,3 triệu USD), linh kiện phụ tùng ô tô khác (2,2 triệu USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (1,9 triệu tấn), cao su (1,4 triệu USD), cơm dừa sấy khô (1,3 triệu USD), vải (1,2 triệu USD), sản phẩm sắt thép (951 nghìn USD), gỗ và sản phẩm gỗ (825 nghìn USD). Các mặt hàng nhập khẩu từ Ai Cập trong 3 tháng đầu năm 2011 gồm hóa chất (3,6 triệu USD), sản phẩm sắt thép (110 nghìn USD), sữa và sản phẩm sữa (106 nghìn USD), tân dược (72 nghìn USD), hàng rau quả (61 nghìn USD).
2.3. Triển vọng thị trường
Các cuộc biểu tình diễn ra căng thẳng nhưng đã chấm dứt với sự ra đi của cựu tổng thống Mubarak. Người dân Ai Cập đang mong chờ cuộc bầu cử tổng thống mới vào tháng 9/2011 sẽ mang lại nhiều cải cách kinh tế, xã hội. Trên thực tế chính phủ mới được thành lập đầu tháng 3/2011 vừa qua đã tiến hành bàn bạc nhiều biện pháp ổn định xã hội, khôi phục kinh tế, kêu gọi đầu tư nước ngoài, thu hút khách du lịch. Theo đánh giá của IMF, nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội của Ai Cập sẽ phát triển theo chiều hướng tích cực từ nay đến năm 2015.
Đối với Việt Nam, theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ai Cập, ngay sau khi tình hình Ai Cập ổn định trở lại thì các hợp đồng thương mại của Ai Cập với các đối tác Việt Nam đang có xu hướng tăng trở lại. Với dân số 82 triệu người, cơ cấu hàng nhập khẩu của Ai Cập khá đa dạng, trong đó nông sản và hàng tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn với những mặt hàng mà Việt Nam có khả năng đáp ứng cao như hạt tiêu, gạo, cơm dừa, hàng điện tử. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực, chủ động hơn trong việc tìm kiếm bạn hàng thông qua nhiều kênh tin cậy, đồng thời cũng cần lưu ý trong việc soạn thảo hợp đồng và tôn trọng các điều khoản đã được quy định trong hợp đồng.
Bên cạnh những quan hệ hợp tác về thương mại, Việt Nam và Ai Cập còn có rất nhiều cơ hội hợp tác về mặt dịch vụ, một trong số đó là lĩnh vực du lịch. Ai Cập là một trong những nước đứng đầu và là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của du khách. Việt Nam có điều kiện tự nhiên xinh đẹp và hấp dẫn, bờ biển trải dài và nền văn minh lâu đời có thể trở thành một trong những đất nước dẫn đầu về du lịch quốc tế.
Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á