Bạn đang ở đây

Nhiều quyết định quan trọng có hiệu lực từ tháng 3/2014

03/03/2014 09:37:31

Siết việc sử dụng hóa đơn cho bán hàng hóa, dịch vụ

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP về hóa đơn bán hàng cung ứng dịch vụ.

Theo Nghị định này, doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in có hành vi vi phạm về hóa đơn bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế hoặc doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế thì không được sử dụng hóa đơn tự in mà phải thực hiện mua bán hóa đơn của cơ quan thuế có thời hạn 12 tháng…

Đối với hóa đơn đặt in, Nghị định 04/2014/NĐ-CP quy định, tổ chức có hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có mã số thuế được đặt in hóa đơn để sử dụng cho các hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

Trước khi đặt in hóa đơn lần đầu, tổ chức có hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp (trừ đối tượng đủ điều kiện được tạo hóa đơn đặt in) phải gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp văn bản đăng ký sử dụng hóa đơn đặt in. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan thuế quản lý trực tiếp phải có ý kiến về việc đăng ký sử dụng hóa đơn đặt in của doanh nghiệp.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2014.

Quy định mới về thu và quản lý phí y tế dự phòng

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 08/2014/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí y tế dự phòng, kiểm dịch y tế, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2014.

Theo đó, Thông tư quy định chi tiết các mức thu phí đối với các hoạt động y tế dự phòng gồm: Xét nghiệm phát hiện bệnh; xét nghiệm mẫu nước ăn uống, sinh hoạt, nước thải và khí thải; kiểm định vắc xin, sinh phẩm; tạo mẫu và định loại véc tơ; chích ngừa.

Mức thu phí đối với các hoạt động kiểm dịch y tế cũng được quy định cụ thể gồm: Diệt chuột, côn trùng; khử trùng; tiêm chủng, áp dụng biện pháp dự phòng và chứng nhận tiêm chủng quốc tế hoặc áp dụng biện pháp dự phòng; kiểm dịch y tế thi thể, hài cốt, tro cốt, mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người; kiểm dịch y tế hàng hóa xuất, nhập, quá cảnh; kiểm dịch y tế các cơ sở cung ứng thực phẩm cho tàu thuyền, tàu bay, tàu hỏa, khu vực cửa khẩu; các xét nghiệm; kiểm dịch y tế phương tiện xuất, nhập, quá cảnh; kiểm dịch y tế hàng hóa xuất, nhập, quá cảnh qua cửa khẩu đường bộ.

Cụ thể, mức thu phí xét nghiệm máu - xét nghiệm nước tiểu dao động từ 10.000 - 1.000.000 đồng tùy từng loại xét nghiệm. Phí xét nghiệm các chất dịch khác của cơ thể từ 40.000 - 1.200.000 đồng/xét nghiệm.

Cũng theo Thông tư, mức phí khám chuyên khoa là 20.000 đồng/người/chuyên khoa; khám sức khỏe toàn diện lao động, lái xe, khám định kỳ (không kể xét nghiệm. X-quang) là 100.000 đồng/người.

Phí y tế dự phòng, kiểm dịch y tế là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước. Cơ quan thu phí trích 90% tiền phí thu được để trang trải cho công việc chuyên ngành về y tế dự phòng, kiểm dịch y tế và thu phí theo quy định.

Riêng thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan thu phí kiểm dịch y tế được trích 80% tiền phí thu được, để trang trải cho công việc chuyên ngành về kiểm dịch y tế và thu phí; cơ quan thu phí y tế dự phòng trích 90% tiền phí thu được để trang trải cho công việc chuyên ngành về y tế dự phòng và thu phí theo quy định.

Miễn thuế xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu

Kể từ ngày 15/3/2014, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ được miễn.

Đó là nội dung chính trong Quyết định số 08/2014/QĐ-TTg về việc miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với vàng nguyên liệu xuất khẩu, nhập khẩu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành.

Được biết, Quyết định này sẽ tạo thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, góp phần bình ổn thị trường vàng trong nước.

Thời hạn nộp hồ sơ thanh khoản hợp đồng gia công

Vừa qua, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư 13/2014/TT-BTC quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài.

Theo đó, tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày hợp đồng gia công kết thúc, thương nhân phải có văn bản đề nghị Chi cục hải quan xem xét và chấp thuận phương án giải quyết nguyên vật liệu dư thừa, máy móc thuê...

Tiếp đến, chậm nhất 30 ngày làm việc kể từ ngày hải quan chấp thuận phương án giải quyết trên thì doanh nghiệp phải thực hiện xong thủ tục hải quan và nộp đủ hồ sơ thanh khoản hợp đồng.

Đối với những hợp đồng có nhiều phụ lục thì thời hạn thanh khoản tính tương tự như trên đối với từng phụ lục riêng còn những quy định khác về gia hạn hay nội dung hồ sơ thanh khoản không thay đổi.

Thông tư 13/2014/TT-BTC bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/3/2014.

Theo Vnmedia