“Siết” hoạt động tài chính của EVN
Theo Nghị định số 10/2017 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/4/2017 về huy động vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Chính phủ quy định EVN không được huy động vốn đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, bất động sản, tài chính.
EVN được quyền huy động vốn của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhưng phải đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của EVN tại thời điểm gần nhất với thời điểm huy động vốn không vượt quá 3 lần.
Nghị định cũng sửa đổi phương thức kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng của các công ty sản xuất điện hạch toán phụ thuộc EVN và các Tổng công ty Phát điện thuộc EVN.
Theo đó, số thuế phải nộp của hoạt động sản xuất điện được xác định bằng sản lượng điện nhân với giá tính thuế nhân với thuế suất thuế10% trừ đi số thuế VAT đầu vào được khấu trừ. Giá tính thuế VAT đối với điện của các công ty nêu trên là giá bán điện cho khách hàng ghi trên hóa đơn theo hợp đồng mua bán điện.
Quy định mới về tiền lương, phụ cấp quốc phòng
Nghị định 19/2017 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với công nhân quốc phòng và phụ cấp thâm niên đối với viên chức quốc phòng, có hiệu lực từ 15/4, quy định một số điểm mới về chế độ tiền lương đối với công nhân quốc phòng.
Cụ thể, mức lương thực hiện bằng hệ số lương nhân với mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ. Hệ số lương được quy định chi tiết tại Bảng lương ban hành kèm theo Nghị định; trong đó, phân thành ba loại A, B, C với 4 nhóm đối tượng, 10 bậc lương, hệ số cao nhất lên đến 6.65 và thấp nhất là 2.70.
Ngoài ra, Nghị định quy định các loại phụ cấp, trợ cấp đối với công nhân quốc phòng gồm: Thâm niên vượt khung; Khu vực phụ cấp đặc biệt; độc hại nguy hiểm; trách nhiệm công việc; công vụ; công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
Quyết định 04/2017 của Thủ tướng về danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện, có hiệu lực từ ngày 25/4.
Nhóm phương tiện trong danh mục gồm: Xe môtô, xe gắn máy; xe ôtô loại 9 chỗ trở xuống (hiện chỉ yêu cầu dán nhãn đối với ôtô từ 7 chỗ trở xuống).
Việc dán nhãn năng lượng tự nguyện được thực hiện đối với xe môtô, xe gắn máy đến hết 31/12/2019; ôtô loại trên 7 chỗ đến 9 chỗ đến hết ngày 31/12.
Dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với xe môtô, xe gắn máy được thực hiện từ ngày 1/1/2020; ôtô loại 7 chỗ trở xuống và ôtô trên 7 chỗ đến 9 chỗ từ ngày 1/1/2018.
Thi hộ sẽ bị buộc thôi học
Thông tư 09/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp, có hiệu lực từ ngày 26/4.
Theo đó, sinh viên học trung cấp, cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ nhờ thi hộ và người học thi hộ, sẽ bị đình chỉ học tập một năm với lần vi phạm thứ nhất và buộc thôi học với lần vi phạm thứ hai.
Trường hợp tổ chức thi, kiểm tra hộ sẽ bị buộc thôi học ngay từ lần vi phạm thứ nhất.
Chép bài kiểm tra, bài thi của người khác; những bài kiểm tra, bài thi đã có kết luận là giống nhau thì xử lý như nhau, nếu người học bị xử lý có đủ bằng chứng chứng minh mình bị sao chép trước khi nộp bài thì được hiệu trưởng xem xét giảm từ mức kỷ luật cảnh cáo xuống mức khiển trách, nếu bị sao chép sau khi nộp bài thì không bị xử lý.
Quyết giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không
Có hiệu lực từ ngày 27/4/2017, Thông tư số 07/2017 ngày 14/3/2017 của Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi Thông tư số 36/2015 về quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không quy định Bộ Giao thông Vận tải sẽ quyết định khung giá đối với việc nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không, bao gồm các dịch vụ nhượng quyền nhà ga hành khách; nhà ga, kho hàng hóa; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; kỹ thuật hàng không; cung cấp suất ăn hàng không và cung cấp xăng dầu hàng không.
Cũng từ ngày này, khi điều chỉnh tăng hoặc giảm giá trong phạm vi 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó, tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ được lựa chọn gửi Thông báo hoặc gửi hồ sơ kê khai giá tới Cục Hàng không Việt Nam. Trường hợp điều chỉnh tăng hoặc giảm giá trên 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó, tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ phải thực hiện kê khai giá theo quy định.
Rút tiền từ ngân sách vượt mức phải đăng ký trước
Nội dung trên được quy định tại Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/2/2017 của Bộ Tài chính. Theo đó, các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước thực hiện giao dịch rút tiền mặt với Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh từ 200 triệu đồng trở lên và 100 triệu đồng trở lên với cấp huyện phải đăng ký với Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản trước ít nhất 1 ngày làm việc.
Đối với các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước khi giao dịch với Kho bạc Nhà nước cấp huyện có nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt từ 1 tỷ đồng trở lên trong 1 lần thanh toán thì thực hiện rút tiền mặt tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc cấp huyện mở tài khoản.
Đơn vị phải làm thủ tục rút tiền mặt tại ngân hàng thương mại ngay trong ngày được Kho bạc Nhà nước chuyển chứng từ rút tiền mặt sang ngân hàng thương mại. Trường hợp chưa rút được tiền mặt ngay trong ngày, đơn vị phải thông báo cho Kho bạc Nhà nước biết để phối hợp xử lý các chứng từ rút tiền mặt đã chuyển theo quy trình thanh toán song phương điện tử giữa Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/4/2017.
Ngoài ra, một số quy định về hỗ trợ cho cán bộ công chức xử lý hồ sơ vi phạm hành chính; Hòa giải viên thương mại phải có bằng đại học trở lên; quản lý vốn địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; gướng dẫn xác định chi phí khảo sát xây dựng… cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2017.
Theo Vneconomy