Bạn đang ở đây

Nhiệm vụ của Bộ Công Thương trong công tác bình ổn giá cả, thị trường cuối năm 2010

09/09/2011 16:10:45
Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng chậm nhất là trong quý IV năm 2010 phải hoàn thành và công bố quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối các sản phẩm chủ yếu: Xăng dầu, phân bón, thép xây dựng, xi măng, lương thực, thuốc chữa bệnh.
 
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ sau:
 
- Nghiên cứu, ban hành quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo đảm lượng hàng hoá dự trữ lưu thông khi kinh doanh các mặt hàng bảo đảm bình ổn giá cả, thị trường, nhất là những doanh nghiệp có thị phần cao.
 
- Cùng với việc tập trung chỉ đạo sản xuất, cung ứng bảo đảm điện cho sản xuất và đời sống, phải chú ý đến bảo đảm cung ứng các mặt hàng thép, xây dựng, thực phẩm; công tác dự báo xu thế thị trường và thông tin các mặt hàng thiết yếu để các địa phương chủ động cân đối cung cầu, thực hiện giải pháp bình ổn giá cả.
 
- Rà soát lại năng lực sản xuất, hệ thống cung ứng để có phương án cụ thể bảo đảm, cân đối cung cầu các loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng từ nay đến hết năm 2010, quý I năm 2011; nhu cầu hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán Tân Mão năm 2011, bảo đảm cân đối các vật tư, nguyên, nhiên liệu chủ yếu cho sản xuất và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; chủ động xây dựng phương án thích hợp để kết hợp có hiệu quả nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu mặt hàng thiết yếu, bảo đảm nhu cầu sản xuất, tiêu dùng;
 
- Tổ chức, điều hành linh hoạt cung ứng sản phẩm để hàng hoá lưu thông thông suốt giữa các vùng, miền trong cả nước; cung ứng hàng hoá và các dịp lễ tết; có biện pháp cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá; nghiên cứu hướng dẫn việc thực hiện các chương trình bình ổn giá để giúp địa phương thực hiện hiệu quả.
 
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát thị trường, chống gian lận thương mại, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá và các hành vi đầu cơ tăng giá trái pháp luật; kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến và lưu thông, kiểm tra chất lượng và đo lường hàng hoá gắn với kiểm tra giá đã được đăng ký, niêm yết.
 
- Làm việc với từng ngành hàng để có giải pháp cụ thể tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động xuất khẩu; khẩn trương hướng dẫn thực hiện các biện pháp kiểm soát nhập siêu, việc tuân thủ quy định về sử dụng nguồn vật tư, hàng hoá trong nước sản xuất của các dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách, mua sắm công; kiểm soát nhập siêu ở mức khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu.
 
Vụ Pháp chế