Bạn đang ở đây

Nhật Bản quan tâm tới các dự án nhiệt điện ở Việt Nam

17/07/2014 09:10:39

Tại buổi Đối thoại cấp cao lần thứ hai về hợp tác công-tư tại Việt Nam được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) tổ chức sáng 16/7 tại Hà Nội, ông Hiroshi Wanatabe, Tổng Giám đốc JBIC đã cho biết như vậy.

Nằm tại ba tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Khánh Hòa, các dự án Nghi Sơn II (công suất 1.200MW), Vũng Áng II (1.200MW) và Vân Phong I (1.320MW) đang được các nhà đầu tư Nhật Bản thương thảo với Bộ Công Thương để ký kết hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT). Các nhà máy này dự kiến sẽ được đưa vào vận hành trong thời gian từ năm 2018-2020.

Nhờ việc công bố quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2011-2030 với cơ cấu nguồn điện từ các nhà máy điện đốt than ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng công suất điện cả nước, các nhà đầu tư có thể xây dựng những chiến lược dài hơi trong việc đầu tư các dự án điện. Cụ thể, tổng công suất điện vào năm 2020 của cả nước dự kiến là 75.000MW. Trong đó, cơ cấu nguồn điện từ các dự án điện đốt than là 48%, sau đó tăng lên 146.800MW vào năm 2030 với tỷ trọng điện đốt than là 51,6%. Ngoài ra, nền kinh tế phát triển ổn định, mức sống người dân được nâng cao dẫn đến nhu cầu sử dụng điện gia tăng khiến các dự án đầu tư nhiệt điện trở nên hấp dẫn.

Hiện nay, việc tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư vào các dự án điện đốt than gặp khó khăn do các chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu. Vào tháng 6/2013, Hoa Kỳ đã công bố một kế hoạch hành động về chống biển đổi khí hậu, theo đó chấm dứt việc viện trợ xây mới các nhà máy điện than ở nước ngoài. Do sự tác động của kế hoạch đó, không chỉ Bộ Tài chính Hoa Kỳ hay Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ, mà các Ngân hàng Phát triển Đa phương như nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng Đầu tư và Tái thiết châu Âu (EBRD) cũng đưa ra những chính sách ngặt nghèo hơn trong việc cung cấp vốn cho các dự án điện đốt than.

Tuy vậy, theo chia sẻ của ông Hiroshi Watanabe, ngày càng nhiều quốc gia đang phát triển sử dụng các nhà máy điện đốt than nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng gia tăng. Ông cho rằng, không thể áp dụng một nguyên tắc duy nhất cho tất cả các quốc gia. Do than là mặt hàng được giao dịch rộng rãi với giá cả ổn định, việc sử dụng các nhà máy điện đốt than sẽ hạn chế tác động đối với cán cân thanh toán của các quốc gia đang phát triển.

JBIC, với tư cách là một định chế tài chính, khuyến khích các nhà máy điện đốt than áp dụng công nghệ hiệu quả cao, phát thải thấp, công nghệ thân thiện với môi trường hay sử dụng “than sạch” bằng các công nghệ làm sạch than nhằm giảm lượng phát thải SO2, COvà giảm hàm lượng xỉ trong than.

Với quan điểm đó, JBIC đã tài trợ nhiều dự án điện độc lập (IPP), trong đó có nhiều dự án điện đốt than tại một số nước Đông Nam Á như Thái Lan (công suất 8.432 MW), Philippines (5.431 MW), Singapore (3.300 MW) và Indonesia (5.666 MW).

Theo Báo điện tử Chính phủ

Back to top