Bạn đang ở đây

Nhà máy và vùng nguyên liệu: Chưa có mối quan hệ khăng khít

25/12/2012 15:38:49

Yên Bái có tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông - lâm sản. Một trong những giải pháp chỉ đạo có tính tiên quyết được tỉnh tập trung chỉ đạo để khai thác tốt thế mạnh này là nhà máy phải gắn với vùng nguyên liệu; nhà máy gắn với lợi ích kinh tế của nông dân, nông dân vì hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhà máy…

Thế nhưng, sau mỗi năm, các nhà máy nhìn lại những bất cập trong sản xuất, kinh doanh đều thấy có một yếu tố rất căn bản là giữa nhà máy và vùng nguyên liệu chưa có mối quan hệ khăng khít với nhau.

 Đơn cử như trong sản xuất, kinh doanh chè, một doanh nghiệp cổ phần phàn nàn về thực tế, để bảo đảm nguyên liệu chế biến, đơn vị đã cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trong vùng nguyên liệu của nhà máy, ứng trước vật tư chăm sóc chè… nhưng khi bán nguyên liệu, chỉ cần các cơ sở chế biến khác đến tranh mua và nhích giá lên một chút là không ít người sẵn sàng quay lưng lại với nhà máy. Tình trạng này diễn ra phổ biến nên nhiều doanh nghiệp chè dù cố gắng tạo mối liên hệ khăng khít với vùng nguyên liệu thì vẫn luôn rơi vào thế bị động và thiếu nguyên liệu.

Nhiều nhà máy chế biến giấy bày tỏ rằng, khi xây dựng nhà máy chế biến, yếu tố quan trọng hàng đầu là nhà máy phải giữ được sự phát triển bền vững của vùng nguyên liệu. Bởi lẽ, nguồn tre, nứa, vầu chỉ được khai thác ở khu vực đồi vườn, rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh chứ không được xâm phạm vào rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn. Thế nên, cán bộ kỹ thuật của nhà máy luôn phải bám vùng nguyên liệu để hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, khoanh nuôi, khai thác…

Đặc biệt, với những loại cây này, khi khai thác phải chừa lại những cây non để tiếp tục sinh sản lớp măng mới và cây non khi đó cũng mới bảo đảm tiêu chuẩn khai thác chế biến. Thế nhưng, nhiều người dân vẫn cứ làm theo cách riêng của mình là khai thác trắng. Cây non khi nghiền bột sẽ tan thành nước rất nhiều, tỷ lệ bột rất thấp nên nhà máy không thể mua loại nguyên liệu này với giá cao. Đáng tiếc hơn là việc khai thác trắng đã làm cho nhiều diện tích nguyên liệu giấy không thể tái sinh, dẫn đến có những nhà máy điêu đứng vì thiếu trầm trọng nguyên liệu.

Chuyện nhà máy và vùng nguyên liệu sắn xem ra lại trầm trọng hơn. Nhiều năm nay, người trồng sắn cứ thấy giá nguyên liệu rẻ là không bán cho nhà máy để chờ lên giá cho dù nhà máy đã giải thích vì sao không mua được giá cao vì giá đầu ra cho tinh bột xuống rất thấp. Kìm mãi đến khi sắn mọc lá thì dân lại phải thu hoạch vội mà giá không cao, năng suất giảm do chuột, gia súc phá hoại, thậm chí có người chán nản bỏ luôn không cần thu hoạch. Dân trồng sắn còn có chuyện, khi trời mưa, sắn dễ nhổ thì cứ nhổ chất đống ở trên nương, đợi khi nắng ráo mới vận chuyển đến bán cho nhà máy.

Theo lý thuyết, sắn nhổ sau 4 đến 5 ngày mà không chế biến sẽ dẫn đến chết nhựa, tinh bột giảm mạnh, phần thiệt thòi lại thuộc về nhà máy. Tâm lý so sánh giá cả giữa các tỉnh trong khu vực hoặc giữa miền Bắc và miền Nam cũng là yếu tố khiến cho người trồng nguyên liệu và nhà máy thiếu sự khăng khít bởi người dân chưa hiểu rằng, giá sắn ở nơi khác cao hơn còn phụ thuộc vào những giống sắn có hàm lượng tinh bột cao được trồng đại trà, giá thành vận chuyển thấp do đường giao thông ở nơi đó thuận tiện hơn…

Bài toán về mối quan hệ giữa nhà máy với vùng nguyên liệu đang nảy sinh nhiều khó khăn và cần có sự điều chỉnh thật quyết liệt, khoa học. Có như vậy thì hiệu quả kinh tế từ những tiềm năng, thế mạnh của Yên Bái mới có thể phát huy giá trị đối với cả doanh nghiệp và nông dân.

Theo YBĐT