Bạn đang ở đây

Ngành gỗ thiếu lao động chất lượng cao!

10/03/2014 09:06:41

Ông Nguyễn An Điềm, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Pisico cho biết, số lượng đơn hàng các công ty thành viên của Pisico đã ký với đối tác trong quý I/2014 tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó, các đơn vị như: Công ty CP chế biến gỗ nội thất Pisico, Xí nghiệp chế biến lâm sản xuất khẩu Pisico đã có đơn hàng đến quý II/2014; đặc biệt Công ty CP Chế biến gỗ Pisico Đồng An còn có giá trị đơn hàng trên 90 tỷ đồng và nhiều lời mời khác nhưng còn băn khoăn chưa ký kết.

Lý giải điều này ông Điềm cho hay, năm 2014 thị trường dù đã khởi sắc nhưng DN lại lo ngại không chủ động được đầu vào, giá nhân công, chi phí nguyên liệu… nên không dám ký các đơn hàng dài hạn vì sợ lỗ. “Kinh doanh phải có lợi nhuận thì mới có tiền chi trả cho các hoạt động khác nên chúng tôi không dám liều mạng nhận đơn hàng dài hạn như trước đây”- ông Điềm chia sẻ. Cụ thể thời điểm hiện tại cổ phần Pisico Đồng An đang có nhu cầu tuyển dụng thêm khoảng 100 lao động, chủ yếu là lao động có tay nghề và lao động phổ thông. Đặc biệt, dù tuyển được lao động nhưng hầu hết tay nghề không đáp ứng khiến DN phải mất thời gian để đào tạo.

Phía Công ty CP kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho hay, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng gần 1.000 lao động, trong đó có khoảng 500 lao động có tay nghề trong ngành chế biến gỗ hoặc ván kỹ thuật cao. Theo vị đại diện này, việc tuyển dụng nhiều lao động vào thời điểm này của công ty không phải là do tình trạng biến động lao động đầu năm mà là nhằm đáp ứng các đơn hàng sản xuất tăng mạnh trong năm nay.

Tương tự, Giám đốc DNTN Chu Lai cho biết, công ty đang thiếu lao động phổ thông cho sản xuất các mặt hàng nội thất như bàn, ghế giả mây, tre xuất khẩu. Nguyên nhân là do hầu hết lao động chỉ thích làm theo kiểu mùa vụ, không cần ký kết hợp đồng lao động, mà thích thì làm không thích thì nghỉ. Bên cạnh đó, một số DN cùng ngành cũng thiếu lao động nên cạnh tranh không lành mạnh. Chẳng hạn, họ chấp nhận trả mức lương cao hơn để “hút” lao động, làm cho việc tuyển dụng của Chu Lai thêm khó hơn.

Theo đánh giá của ông ông Trần Anh Tuấn- Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực & Thông tin thị trường TP.HCM: nếu như thời điểm của những năm trước, “bài toán” thiếu hụt lao động luôn là vấn đề nan giải đã tạo áp lực lớn cho DN bằng mọi giá phải có được nguồn lao động để ổn định sản xuất, thì trong 1, 2 năm trở lại đây, nhu cầu lao động đó phải gắn liền với năng suất hiệu quả làm việc. Điều này, cũng đồng nghĩa với việc yêu cầu tuyển dụng mà các DN đang cần là chất lượng nguồn lao động phải được nâng lên. Do đó, quy trình tuyển dụng lao động ở các DN trong năm nay hiện đang được thực hiện khá chặt chẽ, mang tín chọn lọc cao.

 Hiện gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang gần 40 thị trường trên thế giới, trong đó Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường lớn nhất tiêu thụ nhóm hàng này của Việt Nam (chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch). Mục tiêu xuất khẩu của ngành chế biến gỗ đặt ra trong năm 2014 là 6-6,2 tỷ USD do năm 2014 dự báo là năm ngành có sự tăng trưởng đầy triển vọng.

Theo Báo Công thương