Chế biến gỗ xuất khẩu |
Theo ông, ngành gỗ sẽ đón nhận những cơ hội gì từ CPTPP?
Chúng tôi cho rằng, cơ hội mang lại cho ngành gỗ là rất lớn, bởi ngay sau khi hiệp định được thực thi, 95 dòng thuế sẽ được giảm về 0%. DN gỗ sẽ có lợi khi nhập khẩu (NK) gỗ nguyên liệu với thuế 0% từ các thị trường Canada, Nhật Bản... và xuất đi trong nội khối cũng bằng 0; đồng thời, giảm tối đa kiểm tra xuất xứ chứng chỉ. Ngoài ra, nguyên liệu gỗ của các nước này đã sơ chế nên vận chuyển rất thuận lợi, giúp tiết kiệm chi phí cho DN. Đặc biệt, việc hưởng thuế NK bằng 0 còn là cơ hội vô cùng lớn để DN giảm 20 - 30% chi phí cho việc đổi mới máy móc, thiết bị so với hiện tại.
Tất nhiên, hiệp định này cũng có những thách thức nhất định. Đầu tiên là vấn đề nguồn nguyên liệu. Theo tính toán của chúng tôi, để XK được 7,7 tỷ USD trong năm 2017, ngành gỗ đã sử dụng khoảng 35 triệu m3 gỗ. Năm 2018, ngành gỗ đặt mục tiêu XK khoảng 8,6 tỷ USD nên sẽ phải sử dụng từ 40 - 42 triệu m3 gỗ. Đây là thách thức không nhỏ trong bối cảnh hiện nay, ngành gỗ đang tìm cách chứng minh nguồn gỗ hợp pháp cho gỗ rừng trồng trong nước, gỗ cao su và gỗ vườn. Trong khi đó, muốn XK sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada hay bất kỳ nước nào tại EU, Mỹ…, sản phẩm gỗ Việt phải có đầy đủ chứng chỉ hợp pháp. Thêm vào đó, hầu hết DN gỗ là DN vừa và nhỏ nên yếu năng lực quản trị, tài chính hạn chế, năng suất lao động thấp, việc đầu tư để có nguyên liệu đầu vào hợp pháp sẽ khó khăn. Vì vậy, VIFORES đang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có chính sách khuyến khích trồng và bán các loại gỗ nguyên liệu này để tạo nguồn gỗ hợp pháp cho DN chế biến gỗ trong thời gian tới.
Ngành gỗ đã có những giải pháp nào để tận dụng cơ hội và vượt qua những thách thức trên, thưa ông?
Chúng tôi đang thực hiện 3 giải pháp. Thứ nhất, tổ chức các lớp tập huấn ngắn ngày để nâng cao trình độ hiểu biết cho DN về Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) cũng như CPTPP. Hiện, đã có 3 lớp tập huấn được VIFORES tổ chức và chúng tôi sẽ làm xuyên suốt đến cuối năm.
Thứ hai, liên kết giữa các DN chế biến gỗ với DN trồng rừng. Mô hình này đã thực hiện được 3 năm và đem lại hiệu quả tốt. Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu gỗ Nam Định (NAFOCO), Công ty Woodsland, Công ty Scansia Pacific... đã liên kết với các hộ trồng rừng để phát triển rừng trồng gỗ lớn, đạt chứng chỉ FSC, tạo nguồn cung gỗ chế biến XK. Tuy nhiên, hiện mới có khoảng 15 DN thực hiện mô hình này nên chúng tôi đang lên kế hoạch nhân rộng trên toàn quốc, tạo mối liên kết bền vững cho ngành gỗ. Thứ ba, thời gian tới, các nhà chuyên môn trong ngành sẽ bàn bạc xây dựng định mức cơ sở cho từng loại gỗ, giúp DN tiết kiệm nguyên liệu.
Xin ông chia sẻ những kết quả đạt được của XK gỗ trong 3 tháng đầu năm. Liệu ngành có thể đạt mục tiêu đề ra trong năm 2018 không, thưa ông?
Quý I/2018, toàn ngành gỗ đã đạt kim ngạch XK khoảng 1,9 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Việt Nam hiện nay đã trở thành "trung tâm chế biến gỗ của châu Á" và có rất nhiều bạn hàng lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Australia, Canada, Malaysia… Nhờ những thị trường này, có thể đạt mục tiêu kim ngạch XK gỗ 8,6 tỷ USD như kế hoạch đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao từ đầu năm.
Xin cảm ơn ông!