31/08/2011 15:56:43
PV: Xin ông cho biết việc áp dụng SXSH đến các doanh nghiệp được thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Anh Quân: SXSH luôn là mục tiêu ngành Công Thương Yên Bái nỗ lực phấn đấu và bước đầu đã có những giải pháp khuyến khích doanh nghiệp thực hiện. Sở cũng phối hợp với các cơ quan truyền thông địa phương, tích cực tuyên truyền về mục tiêu sản xuất bền vững, phê phán các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Đối với các dự án đã đi vào sản xuất, tỉnh Yên Bái đã có những cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến, nhằm hợp lý hoá quy trình sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hàng năm đều có tổ chức hội thi sáng tạo và trao giải cho các doanh nghiệp.
Đối với các dự án mới đầu tư, ngay từ đầu đã được đánh giá tác động môi trường, xem xét kỹ về công nghệ, hệ thống xử lý chất thải, chỉ rõ những hạn chế để nhà đầu tư bổ sung hoàn thiện trước khi thoả thuận đi vào xây dựng. Tỉnh ưu tiên các dự án thân thiện với môi trường, phát triển năng lượng sạch, các dự án sử dụng máy móc thiết bị công nghệ cao, ít xả chất thải và có hệ thống xử lý chất thải đồng bộ, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của tất cả các dự án sẽ xây dựng. Làm rõ mức độ gây ô nhiễm khi đi vào sản xuất và việc đầu tư hệ thống xử lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm.
Song song với chính sách khuyến khích áp dụng SXSH, các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, có các biện pháp kiên quyết xử lý các đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bằng hình thức tạm dừng sản xuất để khắc phục, khi đảm bảo mới được tiếp tục được sản xuất.
PV: Ông nhận định về mức độ quan tâm của doanh nghiệp trên địa bàn với việc áp dụng SXSH như thế nào?
Ông Nguyễn Anh Quân: Trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp thường có xu hướng tiết kiệm các chi phí, hạ giá thành để cạnh tranh, tăng lợi nhuận. Do vậy, hiện tượng một số doanh nghiệp không quan tâm đến xử lý chất thải vẫn xảy ra, nhưng đã được nhắc nhở và xử lý kịp thời. Công tác tuyên truyền vận động được chú trọng cũng làm cho nhận thức của doanh nghiệp về SXSH được cải thiện đáng kể. Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái rất tích cực trong việc tiết kiệm nguyên nhiên liệu, tận dụng triệt để tài nguyên. Thực tế trong những năm vừa qua, công nghiệp Yên Bái phát triển chủ yếu trong ngành khai thác, chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm sản. Những ngành này có tác động lớn tới môi trường, nên dù đã có nhiều cố gắng nhưng ô nhiễm môi trường cục bộ vẫn còn xảy ra .
PV: Xin ông cho biết, trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng, áp dụng SXSH có ý nghĩa như thế nào đối với doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Anh Quân: Mục tiêu của SXSH là tránh ô nhiễm bằng cách sử dụng tài nguyên, nguyên liệu và năng lượng một cách hiệu quả nhất, giảm thiểu chất thải, đem lại những lợi ích kinh tế qua việc tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng, giúp doanh nghiệp sản xuất có lợi nhuận cao, thu hồi vốn nhanh.
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay đã có một số doanh nghiệp áp dụng SXSH như: Công ty Cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn tận dụng nhiệt thải ra từ lò nung để sấy khô sản phẩm phôi và Công ty Cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái tận dụng vỏ phôi, dăm đũa trong quá trình sản xuất đũa xuất khẩu để tái sản xuất làm giấy đế... đã đem lại hiệu quả rất lớn mà nhiều khi các doanh nghiệp cũng không ngờ đến.
PV: Thưa ông, SXSH có nhất thiết là phải thay đổi công nghệ không? Mục tiêu của ngành Công Thương Yên Bái đến năm 2010 có bao nhiêu doanh nghiệp trên địa bàn áp dụng SXSH?
Ông Nguyễn Anh Quân: Để SXSH, công nghệ có một vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu còn có nhiều giải pháp khác cũng mang lại hiệu quả, không nhất thiết phải đổi mới toàn bộ công nghệ sản xuất mà tuỳ theo điều kiện của từng doanh nghiệp để có những thay đổi, cải tiến khác nhau. Ví dụ: Thay đổi quy trình quản lý sản xuất, tìm nguồn năng lượng sạch thay thế, giảm lượng hoá chất sử dụng, điều chỉnh thiết bị sản xuất... nhằm giảm tiêu thụ nguyên liệu sản xuất như điện, nước, hoá chất, dầu... làm giảm giá thành sản phẩm và chi phí xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất.
Mục tiêu đến năm 2010, ngành Công Thương Yên Bái có trên 60% các cơ sở sản xuất đầu tư mới phải có công nghệ tiên tiến, có các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, có báo cáo đánh giá tác động môi trường, đồng thời có phương án xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; 40% cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường; 70% doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu áp dụng hệ thống quản lý môi trường. Ngoài ra, còn có các biện pháp quản lý và xử lý nghiêm với những trường hợp cụ thể khi để xảy ra ô nhiễm vượt mức cho phép.
PV: Xin cảm ơn ông