Bạn đang ở đây

Ngành Công Thương Yên Bái: Thành công từ hướng đi đúng

10/09/2011 16:10:56
Trong 5 năm qua, Công nghiệp Yên Bái đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng  bình quân giai đoạn 2006-2010 của toàn ngành đạt 18,53%; giá trị sản xuất công nghiệp bình quân cả thời kỳ tăng 21,85%; riêng công nghiệp chế biến tăng binh quân 22,95%, điển hình: chế biến chè tăng 58,6%, chế biến tinh bột sắn tăng 36,6%, sản phẩm may mặc tăng 33,7%. Các dự án quy mô lớn như: 2 nhà máy xi măng lò quay với tổng công suất trên 1.400.000 tấn/năm; 4 nhà máy thủy điện đã hòa vào lưới điện quốc gia; nhà máy sản xuất sứ cách điện công suất 4.000 tấn/năm; 27 dây truyền sản xuất giấy công suất 30.000 nghìn tấn/năm; 63 cơ sở chế biến chè công suất 700 tấn búp tươi/ngày và Dự án năng lượng điện nông thôn đã hoàn thành đóng điện 37/37 xã... Các dự án  này đã đi vào hoạt động mang lại hiệu quả bước đầu.
 
Năm 2010, Yên Bái đạt giá trị sản xuất công nghiệp 2.850 tỉ đồng, tăng gấp 2,7 lần so với năm 2005; tốc độ tăng trưởng bình quân  đạt 21,8%. Nhiều sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu, tạo được uy tín trên thị trường trong và ngoài nước như chè suối Giàng, quế Văn Yên, tinh bột sắn, gạch Tuynel…Xác định công nghiệp là một trong những mũi nhọn hàng đầu phát triển kinh tế, bởi vậy Yên Bái đã và đang tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp với ba lĩnh vực chính: chế biến nông lâm sản; chế biến - khai thác khoáng sản và phát triển thủy điện.
 
Tỉnh đặc biệt chú trọng đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, tính đến hết năm 2010, trên địa bàn Yên Bái đã có 5 khu, 13 cụm công nghiệp tập trung với tổng diện tích quy hoạch trên 900 ha. Mặc dù còn nhiều khó khăn, bất cập về kết cấu hạ tầng, nhiều hạng mục chưa đồng bộ và thống nhất, nhưng đã tạo nên sức hút đối mạnh với các nhà đầu tư nhất là trong lĩnh vực chế biến nông sản, chế biến khoáng sản, sản xuất xi măng, sắt thép. Việc phát triển công nghiệp tập trung đã tạo điều kiện thuận lợi để địa phương quy hoạch và quản lý có hiệu quả quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
 
Cùng với đó, hoạt động thương mại cũng được quan tâm đầu tư và phát huy thể hiện thông qua sự phát triển của thị trường hàng hóa, dịch vụ. Tốc độ phát triển kinh doanh thương mại tăng nhanh về số lượng, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2010 đạt 5.358 tỉ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2005. Bên cạnh thương mại truyền thống, các hình thức thương mại mới, hiện đại như siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tự chọn… đã phát triển khá ở các địa bàn thành phố, thị xã, đưa hoạt động kinh doanh thương mại phát triển đúng hướng, mang lại diện mạo, sắc thái mới cho thương mại địa phương.
 
Với chiến lược ưu tiên cho xuất khẩu, đặc biệt các sản phẩm tiềm năng của Tỉnh như: chè, tinh dầu quế, tinh bột sắn, giấy đế, các sản phẩm từ gỗ rừng trồng, đá bột, đá hạt…trong nhiều năm qua hoạt động xuất khẩu đã góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lực lượng lao động địa phương, đảm bảo công tác an sinh xã hội, góp phần quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế trên địa Tỉnh. Yên Bái hiện có trên 20 đơn vị tham gia xuất khẩu, đã làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng từ 17,7 triệu USD năm 2009 lên 28,25 triệu USD năm 2010, tăng gấp 3 lần so với năm 2005. Nhiều sản phẩm của tỉnh như đũa gỗ, chè, quế, tinh bột sắn…đã được xuất khẩu và đứng vững tại thị trường các nước lớn Mỹ, Nhật, Trung Quốc.
 
Phát huy thành tích đã đạt được, khai thác các lợi thế tiềm năng của tỉnh nhà, trong thời gian tới, ngành Công Thương Yên Bái sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp và xúc tiến Thương mại để tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2015 đạt 7.200 tỉ đồng. Đẩy mạnh phát triển thương mại, mở rộng thị trường, chú trọng quan tâm đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng cao, với nhiều hình thức kinh doanh đa dạng và quy mô phù hợp với từng vùng. Phấn đấu đến năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội đạt 8.700 tỉ đồng; kim ngạch xuất khẩu trực tiếp tăng từ 4 - 5 lần so với năm 2010.
 
Để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra trước mắt đòi hỏi phải có sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của các doanh nghiệp, những giải pháp hiệu quả về nguồn nguyên liệu, nhiên liệu cho sản xuất và tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời ngành Công Thương Yên Bái rất mong được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh, các sở, ban, ngành cùng chung tay chia sẻ giúp ngành phát huy những thành quả đã đạt được tích cực, chủ động tìm ra hướng đi đúng.
 
Ghi nhận sự cố găng, tích cực và những thành tích đã được trong nhiều năm qua. Năm 2011, ngành Công Thương Yên Bái đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất, niềm vinh dự và trách nhiệm đó đã cổ vũ, động viên tinh thần cho CBCNV vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu không ngừng hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao./.
      
 
Trương Ngọc Biên-----------
 Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái