Theo thông tin từ Bộ Công Thương, năm 2013, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 557 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 16,078 tỷ USD, chiếm 77,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,031 tỷ USD, chiếm 9,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Thứ 3, lĩnh vực kinh doanh bất động sản thu hút 20 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 884 triệu USD.
Bên cạnh đó, tình hình đầu tư nước ngoài vào hoạt động mua bán hàng hoá tương đối ổn định. Đa số các dự án bổ sung mục tiêu hoạt động mua bán hàng hoá để bổ trợ cho hoạt động sản xuất. Trong số 788 lượt hồ sơ dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực mua bán hàng hóa và liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa thì có 388 dự án bổ sung; điều chỉnh mục tiêu đã được cấp phép 230 dự án đăng ký thành lập lần đầu và 150 dự án điều chỉnh theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước.
Vai trò của DN có vốn đầu tư nước ngoài nổi bật trong lĩnh vực công nghiệp chế biến xuất khẩu, lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất và có tốc độ tăng nhanh nhất trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. Trong đó, nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng rất cao và gần như tuyệt đối, như: Điện thoại các loại và linh kiện chiếm tỷ trọng 98%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 95%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 98%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác 91%... |
Nhìn chung, các dự án đều tăng cường cung cấp nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất và bán kèm với những sản phẩm do các công ty, nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Các dự án phân phối hàng tiêu dùng mới gắn với thành lập cơ sở bán hàng vẫn tiếp tục do các nhà phân phối hiện hữu như Metro, Big C, Lotte, Parkson, Aeon, Takashimaya đầu tư, phát triển mở rộng quy mô.
Đối tác đầu tư trong lĩnh vực mua bán hàng hoá rất đa dạng, trong đó phổ biến là các quốc gia Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore và một số quốc gia khác như Italia, Pháp, Đức.... Trong số các đối tác, Nhật Bản là đối tác đầu tư có số dự án được cấp phép nhiều nhất.
Các dự án DN thương mại thuần tuý tập trung chủ yếu tại các trung tâm kinh tế - tài chính của cả nước như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phát triển mạnh các Khu công nghiệp, chế xuất như Bình Dương, Đồng Nai, Long An... Trong đó Thành phố Hồ Chí Minh luôn là địa phương có số dự án DN thương mại nước ngoài nhiều nhất cả nước, đứng thứ hai là Hà Nội.
Không chỉ thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các DN trong ngành Công Thương còn tích cực, chủ động đầu tư ra nước ngoài. Năm qua, Bộ Công Thương đã có ý kiến thẩm tra 25 dự án đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Trong số các dự án này, 4 dự án thuộc ngành Công Thương, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực dầu khí, khai thác muối mỏ...
Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, giám sát theo thẩm quyền đối với hoạt động thương mại liên quan đến đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra hoạt động của dự án đầu tư ra nước ngoài do Công ty TNHH MTV Thương mại và Vật liệu xây dựng V làm chủ đầu tư tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt vào các ngành công nghiệp, DN ngành Công Thương cần đổi mới và nâng cao hiệu quả của công tác xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, xuất khẩu. Cụ thể: Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản phẩm công nghiệp đồng thời tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như chế biến nông, lâm, thủy sản, may mặc, giầy dép, cơ khí đóng tầu, chế tạo thiết bị, gia công cơ khí, lắp ráp cơ - điện tử, phương tiện vận tải, đồ gỗ cũng như đẩy mạnh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm, đa dạng hóa hình thức sử dụng vốn cho đầu tư mới.
Theo Báo Công Thương