Tranh mua, tranh bán
Theo ước tính, cả nước đang có khoảng 140.000 ha đất trồng chè. Dù diện tích trồng tương đối lớn nhưng thực tế ngành chè vẫn phải đối mặt với khó khăn về việc nhiều nhà máy đang cùng khai thác trên một vùng nguyên liệu. Chính điều này đã dẫn đến việc tranh mua, tranh bán giữa các cơ sở nhà máy chế biến, làm cho chất lượng chè bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas), hiện nay cả nước có khoảng 450 công ty, nhà máy sản xuất chế biến chè (có đăng ký kinh doanh) nằm rải rác trên các địa bàn, chưa kể các cơ sở chế biến nhỏ lẻ. Tuy nhiên chỉ có 10% trong số này có vùng nguyên liệu riêng để phục vụ chế biến, còn lại các cơ sở khác đều thu mua nguyên liệu trên thị trường.
Chính việc nhiều doanh nghiệp cùng khai thác trên một vùng nguyên liệu đã dẫn đến tình trạng không đơn vị nào chịu nhận trách nhiệm xây dựng hướng dẫn người dân trồng sao cho hiệu quả đạt được tốt nhất. Đơn cử như vấn đề lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong chè hiện nay. Nhiều cơ sở như Mỹ Lâm (Tuyên Quang), Phú Bền (Phú Thọ), Cờ Đỏ (Sơn La)… đã áp dụng mô hình bảo vệ thực vật tập trung. Theo đó, các vùng nguyên liệu tập trung sẽ có những đơn vị bảo vệ thực vật làm nhiễm vụ kiểm tra sâu bệnh, tư vấn, hướng dẫn chăm sóc và thực hiện việc phun thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân. Tuy nhiên, với cách làm này nhà máy buộc phải có vùng nguyên liệu riêng thì mới có thể hỗ trợ thực hiện một cách tối đa.
Bên cạnh đó, việc tranh mua, tranh bán như hiện nay còn gây thêm bất lợi về giá cho cả người nông dân và nhà máy sản xuất. Do không có sự gắn kết ngay từ ban đầu về hợp đồng mua bán nên nguyên liệu sẽ qua tay thương lái thu mua đến nhà chế biến. Điều này khiến người nông dân vẫn bị ép giá, còn nhà máy lại bị thu mua với giá cao. Chưa kể đến, các nhà máy sản xuất không bảo đảm chất lượng nguồn nguyên liệu.
Ban chỉ đạo Phát triển chè bền vững cũng sẽ quan tâm hơn đến vấn đề cân đối giữa sản xuất nguyên liệu và công nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, sẽ tạo ra các cơ chế bảo hộ đầu tư đối với các doanh nghiệp đầu tư mạnh cho nông dân. |
Gắn vùng nguyên liệu với nhà máy
Cuối năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra mắt Ban chỉ đạo Phát triển chè bền vững nhằm hoàn thiện tiêu chuẩn Việt Nam, xây dựng dự án phát triển giống chè đến năm 2020, hỗ trợ đắc lực cho việc nâng cao chất lượng chè Việt Nam. Ông Hoàng Vĩnh Long- Chánh Văn phòng Vitas- cho biết: Việc làm cần thiết của ngành chè Việt Nam hiện nay chính là phải phân bổ quy hoạch lại các vùng nguyên liệu tại các địa phương, gắn vùng nguyên liệu với nhà máy. Đặc biệt, không cấp phép cho bất cứ nhà máy nào nếu chưa có vùng nguyên liệu riêng.
Để làm được điều này, thời gian tới, Ban chỉ đạo sẽ làm việc trực tiếp với các cơ quan quản lý địa phương, đề xuất các phương án điều chỉnh, quy hoạch cơ sở chế biến chè trên địa bàn tỉnh, tiến hành phân vùng nguyên liệu cụ thể cho từng cơ sở chế biến. Đồng thời, rà soát chặt các cơ sở chế biến bảo đảm tiêu chuẩn cũng như hướng dẫn doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân trồng chè. Những mô hình sản xuất chè cho hiệu quả năng suất cao cũng sẽ được đánh giá, xem xét và nhân rộng trên các tỉnh trong cả nước.
Theo Báo Công Thương