Tuy chưa có quyết định điều chỉnh mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 nhưng nhìn vào tăng trưởng GDP và lạm phát của quý I đều rất thấp so với nhiều năm trở lại đây, Quốc hội cũng đã phải tính đến khả năng phải điều chỉnh cả hai chỉ tiêu quan trọng này theo hướng không nên đưa lạm phát xuống quá thấp và chặn đà suy giảm GDP.
Lạm phát giảm vì sức mua yếu
Đến thời điểm này, chỉ tiêu kiềm chế lạm phát một con số đã tương đối rõ. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 2,6%, là mức tăng thấp nhất của CPI quý I kể từ năm 2004 đến nay. Con số này khiến giới chuyên gia khá bất ngờ vì trước đó, nhiều dự báo CPI tháng 4 tăng khá mạnh do tác động của đợt tăng giá xăng 10% vào đầu tháng 3.
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Giá - Tổng cục Thống kê, mức tăng thấp của CPI tháng 4 là phù hợp với quy luật vì thông thường CPI tháng 4, 5 và 6 thường “dịu” nhất trong năm. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền cũng có chung nhận định rằng CPI tháng 4 giảm vì có tác động của việc giảm sức mua khi bước vào đầu mùa nóng.
Nhưng mức tăng thấp một cách bất ngờ của lạm phát 4 tháng đầu năm nay còn có nguyên nhân rất quan trọng từ giảm tổng cầu. Biểu hiện ở tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán cả quý khá thấp, thậm chí có thời điểm âm cùng với lượng tồn kho hàng công nghiệp tăng tới 35% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) chỉ bằng một nửa mức tăng cùng kỳ năm 2011.
Như vậy, lạm phát cả năm đến nay gần như đã chắc chắn mục tiêu dưới một con số nhưng CPI giảm không phải do giảm được chi phí mà do giảm sức mua. Nếu vẫn tiếp tục xu hướng này, lạm phát càng thấp thì doanh nghiệp càng không có lối ra. Bên cạnh đó, nguy cơ biến động giá vẫn tiềm ẩn ở hàng loạt yếu tố như tăng lương, tăng giá nhiên liệu theo lộ trình điều chỉnh theo giá thị trường (điện, than, xăng dầu) cũng như một số mặt hàng thiết yếu khác.
Doanh nghiệp phá sản tăng cao
Cùng với lạm phát giảm thì tăng trưởng cũng xuống mức thấp, chỉ đạt 4% trong khi quý liền trước đó (quý IV/2011) tăng tới 6,1%. Đây là mức tăng rất thấp so với hàng chục năm qua và chỉ bằng một nửa so với tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Các chuyên gia cảnh báo nếu GDP tăng trưởng dưới 5,5% trong năm nay sẽ kéo theo nhiều hệ lụy mà dễ nhận thấy nhất là tình trạng thất nghiệp tăng cao, không bảo đảm an sinh xã hội.
Doanh nghiệp suy yếu chính là nguyên nhân trực tiếp khiến tốc độ tăng trưởng GDP đang ở mức đáng lo ngại.
Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), nếu như năm 2011 là năm đầu tiên đạt “kỷ lục ” về số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản thì bước sang năm nay, số lượng doanh nghiệp “nằm im thở khẽ” và chết hẳn có biểu hiện tăng nhanh hơn. Cụ thể, năm 2011 có 7.611 doanh nghiệp phá sản và 46.361 doanh nghiệp tạm ngừng nghĩa vụ thuế. Nhưng chỉ trong 3 tháng đầu năm 2012 đã có khoảng 2.400 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể và 11.600 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện các nghĩa vụ thuế. Số doanh nghiệp “chết” hoặc “sắp chết” trong quý I/2012 bằng khoảng 79% so với số doanh nghiệp được khai sinh và tăng 9% so với mức sắp chết, khai tử của doanh nghiệp trong quý I/2011.
Trong số doanh nghiệp giải thể, tập trung lớn nhất là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ chiếm đến 26,1%, các ngành khác là công nghiệp khai khoáng chiếm 14,7%, ngành xây dựng và bất động sản chiếm 10,7%.
Theo đánh giá ban đầu của Bộ KH-ĐT, khó khăn hiện tại của khu vực sản xuất có nguyên nhân từ chi phí đầu vào ở mức cao, sức tiêu thụ cả ở thị trường xuất khẩu và nội địa đều giảm mạnh.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết cơ quan này đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tiến hành khảo sát, điều tra độc lập về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để xác định chính xác nguyên nhân nào đẩy doanh nghiệp đến tình cảnh khó khăn. Bộ Tài chính cũng có tổ công tác phân tích số liệu thuế quý I để nhận diện khó khăn và từ đó đề xuất biện pháp cứu doanh nghiệp.
Theo Báo Kinh tế