Theo Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, Việt Nam đang trong quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế và đây là một con đường dài với nhiều trở ngại. Trong khi đó, hoạt động tái cấu trúc của hệ thống doanh nghiệp trong nước thực chất là hoạch định lại và thực thi chiến lược kinh doanh hay nói cách khác là định vị doanh nghiệp trong chiến lược phát triển của ngành. Từng doanh nghiệp sẽ thực hiện chiến lược công ty và kết quả của tái cấu trúc doanh nghiệp sẽ tạo nên sự thay đổi dịch chuyển trong cơ cấu ngành.
“Do đó, chỉ có sự cộng hưởng giữa chính sách khuyến khích sự phát triển doanh nghiệp theo đúng mục tiêu đề ra mới có thể giúp Việt Nam thành công trong đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng,” bà Hằng khẳng định.
Ba trụ cột … đều yếu
Bà Hằng cho biết, Báo cáo thường niên năm nay có chủ đề “Phát triển doanh nghiệp và chất lượng tăng trưởng” được thực hiện qua việc tiếp cận và phân tích sự phát triển của doanh nghiệp từ ba góc nhìn chính gồm: cơ cấu kinh tế, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động ở các cấp độ doanh nghiệp, ngành, khu vực kinh tế và của toàn bộ nền kinh tế. Đây cũng là ba trụ cột quan trọng quyết định đến chất lượng tăng trưởng.
Nhóm chuyên gia thực hiện Báo cáo chỉ ra, mặc dù giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2013, kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng trở lại sau giai đoạn suy giảm (năm 2008 đến năm 2010), song tốc độ tăng trưởng vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực cũng như tiềm năng tăng trưởng của đất nước mà nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ năng suất lao động gia tăng chậm, trong khi hiệu quả đầu tư lại giảm sút.
Những phân tích từ Báo cáo cho thấy, tỷ lệ xuất khẩu trên GDP của Việt Nam đã tăng từ 47% tại năm 2002 lên mức 77,7% trong năm 2013, song giá trị gia tăng mang lại từ việc xuất khẩu lại không được cải thiện nhiều. Cụ thể, tỷ trọng xuất khẩu của các thành phần kinh tế trong nước ngày càng giảm, trong khi tỷ trọng xuất khẩu của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại tăng lên, từ dưới 50% (giai đoạn 2000-2002) lên 61,4% trong năm 2013.
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng cho rằng thực trạng quá trình tái cấu trúc đầu tư ở Việt Nam cũng đang gặp nhiều vấn đề bất cập. Khi mà, khu vực tư nhân chỉ tăng được mức đóng góp vào tổng vốn đầu tư xã hội từ 22,88% (năm 2000) lên mức 37,6% (năm 2013) và đầu tư công vẫn chiếm tỷ trọng cao.
Tuy nhiên tiến trình tái cơ cấu của khối này lại còn nhiều hạn chế (như tái cơ cấu đầu tư công vẫn chưa có một lộ trình tổng thể, phân cấp đầu tư công bất cập… dẫn đến nguy cơ mất cân đối với mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng.) Bên cạnh đó, tái cấu trúc trong hệ thống tài chính đã cải thiện được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong hệ thống tín dụng, nhưng vấn đề nợ xấu vẫn chưa được giải quyết, giá trị nợ xấu iện vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng.
Về chất lượng hoạt động của khối doanh nghiệp, Báo cáo cũng cho biết, cả nước có gần 77 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2013, số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động trong năm là gần 61 nghìn doanh nghiệp, trong khi số doanh nghiệp khó khăn hồi phục hoạt động trở lại chỉ khoảng 14 nghìn doanh nghiệp, con số trên phần nào cho thấy những khó khăn mà doanh nghiệp vẫn đang phải đối đầu.
Cộng hưởng nguồn lực
Từ thực trạng kinh tế Việt Nam, nhóm nghiên cứu Báo cáo đã đưa ra một số kiến nghị giải pháp.
Theo đó, Chính phủ cần ưu tiên cần thiết lập cơ cấu kinh tế ngành, vùng phù hợp phục vụ mục tiêu hiệu quả kinh doanh và phát huy lợi thế cạnh tranh của từng địa phương và của quốc gia.
Cụ thể là hoạt động tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, xác lập sứ mệnh mới của các doanh nghiệp nhà nước, thực hiện vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước thông qua tái cấu trúc doanh nghiệp.
Tuy nhiên Báo cáo chỉ rõ, việc thực hiện cải cách doanh nghiệp nhà nước phải đồng thời phát huy tính linh hoạt, sự dẻo dai của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn là đặc trưng của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đồng thời giảm bớt sự “lấn sân” của các doanh nghiệp nhà nước đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Đưa ra phân tích cụ thể, bà Hằng cho rằng để nâng cao sức cạnh tranh, Việt Nam cần xây dựng các thể chế, định chế để khuyến khích và định hướng đầu tư theo tín hiệu của thị trường. Đa dạng hoá thị trường xuất khẩu và xâm nhập vào chuỗi giá trị chứ không chỉ là xuất khẩu vào từng nước riêng lẻ.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần quan tâm đến chính sách tạo điều kiện khuyến khích sản xuất, dịch vụ trong nước mở rộng thị trường nội địa, hình thành chuỗi cung ứng ngay trên thị trường trong nước đồng thời phải thực sự coi trọng đến thị trường nông thôn.
Không chỉ vậy, bà Hằng còn thẳng thắn chỉ ra, muốn tạo lập thị trường cạnh tranh, Chính phủ cần phải kiểm soát độc quyền tự nhiên, chính sách thương mại phải đặt trong tổng thể chiến lược hội nhập, kết hợp yêu cầu thuận lợi hóa thương mại với chính sách đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh và điều tiết thị trường phù hợp với các định chế hội nhập, xây dựng các thiết chế bảo vệ người tiêu dùng, phát triển các trung tâm bảo vệ người tiêu dùng
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, nâng cao chất lượng tăng trưởng là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải được nghiên cứu trao đổi ở nhiều phương diện.
“Song, nâng cao chất lượng tăng trưởng là phải hướng tới một mô hình tăng trưởng bền vững, đáp ứng yêu cầu về công bằng và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội. Đó là mô hình đòi hỏi sự chủ động tham gia tích cực của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khu vực tư nhân. Chỉ có sự cộng hưởng và đồng tốc giữa các chính sách kinh tế vĩ mô với chiến lược phát triển doanh nghiệp mới có thể giúp Việt Nam thành công trong đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế,” ông Lộc nhấn mạnh./.
Theo Vietnam+