Gia đình ông Bùi Nam Lợi ở thôn Hồng Hà (xã Nga Quán, huyện Trấn Yên) là một trong những hộ trồng chè Bát Tiên đầu tiên của xã. Với 9 sào chè Bát Tiên, mỗi lứa chè, gia đình ông Lợi thu khoảng 50kg chè búp tươi. Với giá bán chè khô từ 120.000 - 150.000 đồng/kg, mỗi vụ chè gia đình ông cũng thu về khoảng 10 triệu đồng. Đây cũng là nguồn thu nhập thêm đáng kể đối với gia đình ông Lợi cũng như nhiều hộ đang canh tác cây chè Bát Tiên trong xã.
Ông cho biết: "Trước kia, nông dân chúng tôi chăm bón cây chè chủ yếu bằng phân hóa học, vài tháng rắc phân một lần nhưng chỉ được tháng đầu tiên,chè bốc lá rất nhanh, những tháng sau thì kém dần. Trong thời gian bón, nếu không may trời hạn hán coi như hỏng, lãng phí phân đạm. Sâu bệnh cũng nhiều. Năm nay, chăm sóc theo hướng dẫn, năng suất tăng thêm 15%, tuy mất nhiều công sức để ủ phân, đào rạch nhưng khoản sâu phá hại thì giảm hẳn".
Với trên 400ha chè Bát Tiên, loại cây công nghiệp này đang nuôi sống hàng nghìn hộ nông dân. Giá bán cao, được thị trường ưa chuộng nhưng bà con vẫn làm theo lối cũ, ít bón phân và bón phân không đúng quy trình. Nghèo dinh dưỡng ắt hẳn chất lượng chè sẽ không tốt. Vì vậy, để thay đổi tập quán canh tác, nâng cao năng suất cần đầu tư thâm canh, không để cho cây bị "đói", Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên đã xây dựng mô hình "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh tăng năng suất chè Bát Tiên" với quy mô 6ha đang trong giai đoạn kinh doanh tại hai xã Bảo Hưng và Nga Quán trong 2 năm 2013-2014. C
án bộ khuyến nông bám dân từng ngày, hướng dẫn người dân từ cách chế biến phân hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp ra sao, đào rạch thế nào, khi phát sinh sâu bệnh cần xử lý đúng lúc, kịp thời. Công thức đã rõ ràng, mỗi sào chuẩn bị 1 tấn phân hữu cơ từ rơm rạ, phân chuồng lên men bằng chế phẩm sinh học trước niên vụ cả tháng. Ngay từ tháng 3, có thể bón luôn cho cây lấy sức nuôi búp cả năm. C
hưa hết, để đủ dinh dưỡng còn cần thêm cả lân 24 kg/sào, bón 1 lần vào tháng 3, đạm Ure bón 24 kg/sào, bón tháng 6, tháng 8 và Kali bón 9 kg/sào vào tháng 6, tháng 8. Tính thế là lượng phân sử dụng cho mỗi sào chè đã gấp mấy lần trước kia. Vất vả hơn, nhiều công sức bỏ vào nương chè hơn nhưng đổi lại hiệu quả đã rõ ràng. Ngay vụ chè năm 2013, cây chè sinh trưởng tốt, ra chồi nhanh, búp dài và mập, lá và búp có màu xanh đẹp, số lứa thu hái trong năm tăng, tỷ lệ búp mù xòe thấp hơn và trọng lượng búp cũng cao hơn.
Qua đông sang hè, cây lại được tập trung chăm bón, hết thời gian cây chè ngủ, giờ đã thu được 4 lứa chè của niên vụ 2014. Trung bình mỗi sào chè thâm canh cho năng suất 46 kg/sào/lứa, dự ước năng suất chè búp tươi cả năm đạt 89 tạ/ha, cao hơn 12tạ/ha so với phương pháp canh tác thông thường. Lợi nhuận tăng thêm cả chục triệu đồng mỗi ha nhờ hạn chế sử dụng phân hóa học nên đất tơi xốp, được giữ ẩm cả năm, tăng khả năng giữ phân bón, giảm sự thất thoát do bay hơi, rửa trôi, nâng cao chất lượng sản phẩm. Không những thế bệnh thối búp, chấm xám, rầy xanh, bọ cánh tơ cũng giảm hẳn.
Mô hình "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh tăng năng suất chè Bát Tiên" mang lại hiệu quả kinh tế, thay đổi phương pháp canh tác theo kiểu quảng canh, làm cơ sở để tuyên truyền cho hàng nghìn hộ trồng chè tại Trấn Yên. Thời gian tới, Trạm Khuyến nông huyện sẽ hướng dẫn nhân dân áp dụng ra diện rộng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng không chỉ chè Bát Tiên mà cả các giống chè khác nhằm ổn định vùng chè nguyên liệu.
Theo Báo YBĐT