Đóng góp vào mức tăng CPI tháng 12, nhóm bưu chính viễn thông tăng cao nhất là 0,8%, tiếp đến là nhóm hàng may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,51%. Trong tháng này, có 2 nhóm hàng tăng trưởng âm là nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,99%; giao thông giảm 3,09%. Còn lại, các nhóm hàng khác có tăng trưởng dương, mức tăng dao động từ 0,01 đến 0,34%. Bên cạnh đó, chỉ số giá vàng tháng 12 giảm 0,05% so với tháng 11, còn chỉ số giá USD tăng 0,35%.
Theo Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê, nguyên nhân CPI tháng 12 giảm chủ yếu vẫn bắt nguồn từ việc giảm giá xăng, dầu trong nước (hai đợt giảm giá vào ngày 22/11 và 6/12 năm 2014, khiến giá xăng giảm 1.460 đồng/lít, giá dầu diezel giảm 830 đồng/lít, giá dầu hỏa giảm 730 đồng/lít). Theo đó, chỉ số giá nhóm giao thông giảm 3,09% đóng góp 0,27% vào mức giảm chung của CPI. Ngoài ra, giá gas thế giới giảm mạnh đã điều chỉnh giá gas trong nước giảm 13.000 đ/bình (từ ngày 1/12) càng góp phần cho CPI tháng 12 giảm hơn so với tháng trước.
Đáng chú ý trong vòng 10 năm trở lại đây, CPI tháng 12 giảm so với tháng 11 là lần thứ hai (trước đó rơi vào năm 2008). Thời điểm, năm 2008 khủng hoảng kinh tế thế giới lan rộng, giá cả các mặt hàng trên thế giới tăng đột biến vào 6 tháng đầu năm và khiến giá cả sau đó lại giảm mạnh vào những tháng cuối năm. Cụ thể, CPI tháng 12 năm 2008 giảm tới 0,68% do giá một số mặt hàng thiết yếu giảm mạnh như lương thực, gas, xăng dầu, thép xây dựng…
Đánh giá tổng quan thị trường năm 2014, bà Ngọc cho rằng, CPI bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với năm 2013, đây là tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây.
Theo Báo Công Thương