Tại buổi hội thảo, MB đã giới thiệu các gói sản phẩm của MB dành cho các doanh nghiệp ngành dệt may. Điểm nổi bật của các gói sản phẩm này là được thiết kế theo chuỗi sản xuất – kinh doanh của ngành dệt may từ bông, sợi, dệt, nhuộm đến may mặc. Do đó các doanh nghiệp ngành dệt may sẽ rất thuận tiện trong việc lựa chọn gói sản phẩm phù hợp với từng khâu trong quá trình kinh doanh của mình. Hơn nữa các gói sản phẩm của MB có sự kết hợp chặt chẽ với các chương trình như Tài trợ nhập khẩu máy móc, thiết bị từ các nước Châu Âu (ECA) và Chương trình hỗ trợ tín dụng xuất khẩu của bộ nông nghiệp Mỹ (GSM 102) giúp Doanh nghiệp tiết kiệm chi phí giá vốn hàng hóa và chi phí tài chính, có nguồn tài trợ ổn định trong suốt thời gian vay.
Ngoài các sản phẩm tài trợ truyền thống, các dịch vụ Thanh toán quốc tế phổ biến, MB hướng tới việc cung cấp các gói sản phẩm hiện đại hỗ trợ doanh nghiệp quản lý doanh thu chặt chẽ (sản phẩm quản lý dòng tiền tập trung); dịch vụ tài khoản, tiền gửi, các sản phẩm gia tăng giá trị thu nhập từ việc sử dụng hiệu quả nguồn ngoại tệ, kiểm soát được chi phí tài chính thường xuyên và phòng vệ rủi ro từ biến động tỷ giá, lãi suất, giá cả hàng hóa nhập khẩu (các sản phẩm phái sinh ngoại tệ, lãi suất, hàng hóa: IRS, CCS, Forward, Future, FRA…)
Cũng trong khuôn khổ của hội thảo, MB đã ký kết hợp đồng hợp tác toàn diện với Công ty tài chính cổ phần dệt may Việt Nam (TFC) - đơn vị thành viên của Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex).
Theo thỏa thuận hợp tác, trong thời gian tới, MB và TFC sẽ hợp tác tích cực trong các hoạt động tín dụng, nguồn vốn, đầu tư và tư vấn, công nghệ thông tin, dịch vụ thanh toán và đào tạo, huấn luyện cán bộ, nhân viên. Việc hợp tác này không chỉ tăng cường hơn nữa mối quan hệ của MB với tập đoàn dệt may nói chung và TFC nói riêng mà còn giúp MB tiếp cận và hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp trong ngành dệt may trong thời gian tới.
M.H