Bạn đang ở đây

Lúng túng tìm lối đi cho công nghiệp hỗ trợ

20/08/2014 10:15:29

Kể từ khi thuật ngữ “công nghiệp hỗ trợ” được nhắc đến trong Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, chính thức thông qua vào năm 2003, nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, CNHT đã được chú ý nhiều hơn.

Trong hơn 10 năm qua, với mục tiêu phát triển CNHT, Việt Nam và Nhật Bản đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo nhằm đề xuất các biện pháp, chính sách đa dạng, từ thành lập các cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách đến dự kiến xây dựng khu CNHT… Tuy nhiên, hiệu quả thực tế lại không như mong muốn. CNHT, tuy được nói đến nhiều, song để đưa vào thực hiện, triển khai cụ thể lại gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.

Chưa hình thành ngành CNHT đúng nghĩa

Thực tế của ngành sản xuất và lắp ráp ô tô cho thấy, có nhiều ngành công nghiệp tham gia vào hoạt động chế tạo ra ô tô. Đó là các ngành cơ khí, điện, điện tử, nhựa, cao su, kính, tự động hóa, tin học… và không ít công nghệ cao đã được ứng dụng. Điều này cho thấy, vai trò của CNHT trong công nghiệp ô tô thể hiện ở khá nhiều góc cạnh.

Thứ nhất, CNHT cần được coi là một ngành cơ sở công nghiệp hoạt động với nhiều chức năng để phục vụ một số lượng lớn ngành công nghiệp ô tô và các ngành khác, chứ không nên coi nó đơn giản chỉ là ngành thu thập ngẫu nhiên những linh kiện sản xuất không liên quan. Từ đó, ngành này mới hỗ trợ hiệu quả cho ngành công nghiệp ô tô phát triển.

Thứ hai, CNHT không chỉ sản xuất linh kiện, mà quan trọng không kém là hỗ trợ việc sản xuất các bộ phận khác, ví dụ như sản xuất khuôn cho các linh kiện nhựa và kim loại, sử dụng công nghệ như cán, ép, dập… phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô.

Thứ ba, sản phẩm của CNHT không chỉ đơn thuần phục vụ hay hỗ trợ các ngành công nghiệp ô tô nội địa, mà còn có thể xuất khẩu sang các nước khác, nâng cao khả năng cạnh tranh và tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu trong những hệ thống sản xuất ô tô toàn cầu của các hãng ô tô trên thế giới.

Mặt khác, phát triển CNHT là điều kiện thiết yếu để đón nhận việc chuyển giao công nghệ và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo ra những cụm tổ hợp (cluster) CNHT về ô tô. Các DN nước ngoài, chủ yếu là các công ty đa quốc gia thường chọn những nơi có nền CNHT phát triển, nhằm cắt giảm chi phí trong khâu sản xuất biến nguyên vật liệu thành linh kiện, phụ tùng. Đi cùng với sự quan tâm của các tên tuổi lớn này là máy móc, công nghệ hiện đại được chuyển giao cho nước tiếp nhận đầu tư. Như vậy, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, CNHT phát triển sẽ góp phần quan trọng trong đổi mới sản xuất, nâng cao nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hiện đại của một quốc gia.

Trong những năm qua, vì nhiều lý do khác nhau, CNHT cho ngành sản xuất ô tô chưa có điều kiện để phát triển phù hợp, điều đó giải thích tại sao Chiến lược, Quy hoạch ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam chưa thực hiện được.

Theo kinh nghiệm của các doanh nghiệp đang triển khai sản xuất thực tế, nếu muốn phát triển công nghiệp ô tô, thì cần phải đưa CNHT đi trước một bước và dựa vào ngành công nghiệp cơ khí,. Tuy nhiên, CNHT lại phụ thuộc rất lớn vào dung lượng thị trường, nếu sản lượng tiêu thụ thấp thì doanh nghiệp CNHT rất khó bỏ tiền đầu tư, nhất là khi thiếu hỗ trợ từ Nhà nước.

Thaco - điểm sáng hiếm hoi

Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) là một ví dụ hiếm hoi về nội địa hóa trong điều kiện sản xuất số lượng nhỏ. Doanh nghiệp này có những bước đi đúng đắn và vững chắc khi đầu tư một loạt  nhà máy CNHT sản xuất linh kiện ô tôâ, như ghế, điện, kính, nhựa và cơ khí chuyên dùng. Thaco cũng đã đầu tư xây dựng cả Khu liên hợp cơ khí ô tô Chu Lai được Thaco đầu tư nhằm thu hút sự có mặt của các doanh nghiệp vào phát triển CNHT.

Cho tới nay, tại Khu liên hợp cơ khí ô tô Chu Lai đã có các doanh nghiệp gia công và cung ứng phôi thép, cơ khí cơ bản, ghế ô tô, dây điện ô tô, kính ô tô, hóa chất, điện lạnh, linh kiện nhựa được đầu tư bên cạnh Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) và Trường Cao đẳng nghề ô tô để cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, các nhà máy sản xuất nhíp, ống xả, thùng nhiên liệu cũng đang triển khai đầu tư tại Khu liên hợp cơ khí ô tô Chu Lai để tạo sự liên hoàn và liên kết nhịp nhàng trong sản xuất ô tô.

Dẫu vậy, Việt Nam có quá ít doanh nghiệp nội địa quyết tâm làm và phát triển CNHT một cách bài bản như Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải.

 

Theo Báo Đầu Tư