Luật doanh nghiệp 2014 chính thức có hiệu lực từ 1/7/2015, được đánh giá là sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp bằng những bước đơn giản hóa các thủ tục hành chính; cho phép doanh nghiệp hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm theo quy định tại Hiến pháp 2013....
Mặc dù Luật DN đã có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015, nhưng việc xây dựng, trình các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành hai Luật này theo Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ đều đang bị chậm tiến độ. Và trên thực tế, Luật DN 2014 đang khiến doanh nghiệp lúng túng.
Thêm giấy phép con khi cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp
Trao đổi với VnMedia, Luật sư Ngô Thế Thêm- Văn phòng Luật sư Doanh Gia cho biết, Giấy chứng nhận doanh nghiệp theo mẫu mới nhất bao gồm những nội dung: Tên Công ty; Địa chỉ trụ sở chính; Vốn điều lệ; Danh sách thành viên công ty; Người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh Giấy chứng nhận đăng ký rất đẹp này thì lại có một giấy tiếp theo tạm gọi là Giấy phép con đó là: Giấy xác nhận với 2 nội dung cơ bản là: Xác nhận về thông tin ngành nghề kinh doanh và Xác nhận về thông tin thuế.
Như vậy, thay vì doanh nghiệp chỉ có 1 Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như trước đây, Luật mới đã đẻ thêm 1 giấy nữa và công ty lại phải trình thêm 1 giấy tờ nữa bên cạnh Giấy chứng nhận Doanh nghiệp.
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005: Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hay Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được quy định tại Điều 25 Luật Doanh nghiệp, cụ thể gồm 5 nội dung sau:
a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện. b) Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
c) Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên hoặc cổ đông sáng lập là cá nhân; số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh của chủ sở hữu công ty, của thành viên hoặc cổ đông sáng lập là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; họ, tên, địa chỉ thường trú, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của chủ sở hữu công ty là cá nhân hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân.
d) Vốn điều lệ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần và giá trị vốn cổ phần đã góp và số cổ phần được quyền chào bán đối với công ty cổ phần; vốn đầu tư ban đầu đối với doanh nghiệp tư nhân; vốn pháp định đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề đòi hỏi phải có vốn pháp định. e) Ngành, nghề kinh doanh.
Khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hay Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Cơ quan Đăng ký chỉ cấp 1 Giấy chứng nhận.
Với việc Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã cấp Giấy chứng nhận bao gồm khá đầy đủ các thông tin mà khi tiếp cận Giấy chứng nhận doanh nghiệp đã thấy được như: Tên, loại hình, địa chỉ công ty;Vốn, cơ cấu vốn;Ngành nghề kinh doanh;Người đại diện theo pháp luật;Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh…
Còn theo Luật doanh nghiệp năm 2014: Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được quy định tại Điều 29 Luật Doanh nghiệp, cụ thể gồm 4 nội dung sau: a)Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp; b)Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
c)Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn.d)Vốn điều lệ.
Khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hay Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Cơ quan Đăng ký chỉ cấp 1 Giấy chứng nhận. Tuy nhiên còn có khá nhiều các nội dung bị thiếu so với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trước đây nên cơ quan quản lý lại phát sinh thêm 1 Giấy phép con để ghi nhận những nội dung còn thiếu và bổ sung những nội dung chưa có như: Các nội dung về ngành nghề kinh doanh; Các nội dung về đăng ký thuế;Các nội dung về đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện;Các nội dung liên quan đến Cổ đông sáng lập, cổ đông của công ty.
Những câu hỏi chờ trả lời
Có thể thấy nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 tuy có phần cải tiến so với nội dung Giấy chứng nhận doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, nhưng lại phát sinh thêm các giấy tờ mà doanh nghiệp phải lưu giữ, thay vì thủ tục trước đây rất gọn nhẹ thì bây giờ doanh nghiệp lại phải lữu giữ thêm các giấy tờ và các giấy tờ này luôn phải đi đồng hành với nhau.
Theo Luật sư Ngô Thế Thêm, trước đây doanh nghiệp đã từ phải mang theo 2 loại giấy tờ là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với mã số riêng và Giấy chứng nhận đăng ký thuế với mã số riêng, sau đó được cải tiến thành Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký thuế và cuối cùng là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sử dụng mã số doanh nghiệp là mã số thuế, câu chuyện này là sự cải cách phù hợp.
Tuy nhiên nội dung Giấy chứng nhận doanh nghiệp theo Luật mới lại ngược lại, từ 1 giấy tờ thành nhiều giấy tờ; vậy, việc cải cách này có ổn không? Chưa kể việc rủi ro trong quá trình lưu giữ như: Nếu mất đăng ký doanh nghiệp thì Giấy xác nhận ngành nghề, thông tin thuế… có phải cấp lại cùng với Giấy chứng nhận doanh nghiệp hay không? Và ngược lại mất giấy xác nhận thì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có phải cấp lại hay không? Việc độc lập hay giàng buộc lẫn nhau giữa 2 loại giấy tờ này…
Theo Vnmedia